Lê Văn Hưu
Lê Văn Hưu (chữ Hán: 黎文休;1230-1322) là một nhà sử học đời nhà Trần, tác giả bộ Đại Việt sử ký, bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam. Bộ sách này không còn nhưng nhờ nó mà sử gia Ngô Sĩ Liên đã dựa vào để soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Ông được cho là Bảng nhãn đầu tiên của Đại Việt, đỗ khi 17 tuổi, cùng khoa thi với trạng nguyên Nguyễn Hiền và thám hoa Đặng Ma La.
Lê Văn Hưu 黎文休 | |
---|---|
Quốc sử viện Giám tu | |
Tượng Lê Văn Hưu tại Khu Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Thủ Đức, TPHCM. | |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Ngày sinh | 1230 |
Nơi sinh | Đông Sơn |
Mất | |
Ngày mất | 1322 |
Nơi mất | Hà Nội |
Giới tính | nam |
Chức quan | Quốc sử viện Giám tu |
Nghề nghiệp | nhà sử học |
Quốc tịch | Việt Nam |
Thời kỳ | Triều Trần |
Tác phẩm | Đại Việt sử ký |
Tiểu sử
sửaLê Văn Hưu là người làng Phủ Lý (tên nôm là Kẻ Rị), huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Một giai thoại về Lê Văn Hưu thuở bé:
- Một hôm đi ngang qua lò rèn, thấy người ta đang làm những cái dùi sắt, Lê Văn Hưu muốn xin một cái để làm dùi đóng sách. Người thợ rèn thấy vậy, bèn ra một vế đối:
- - Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi sắt.
- Lê Văn Hưu liền đối:
- - Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi giành lấy khôi nguyên.
Sự nghiệp
sửaNăm Đinh Mùi (1247), niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình đời vua Trần Thái Tông; Lê Văn Hưu đi thi, đỗ Bảng nhãn khi mới 17 tuổi. Đây là khoa thi đầu tiên ở Việt Nam có đặt danh hiệu Tam khôi. Nguyễn Hiền 13 tuổi đỗ Trạng nguyên. Đặng Ma La 14 tuổi đỗ Thám hoa.[1]
Sau khi thi đỗ, ông được giữ chức Kiểm pháp quan, rồi Binh bộ Thượng thư, sau đó được phong chức Hàn lâm học sĩ [2] kiêm Giám tu quốc sử [3][4]. Ông cũng là thầy học của Thừa tướng Trần Quang Khải.
Biên soạn sách Đại Việt sử ký
sửaTrong thời gian làm việc ở Quốc sử viện, theo lệnh vua Trần Thái Tông, Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu Lê Văn Hưu đã hoàn thành việc biên soạn Đại Việt sử (大 越 史)[5] - bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam - ghi lại những sự việc quan trọng chủ yếu trong một thời gian lịch sử dài gần 15 thế kỷ, từ Triệu Vũ đế - tức Triệu Đà - cho tới Lý Chiêu Hoàng. Đại Việt sử ký, tất cả gồm 30 quyển, hoàn thành năm 1272 và được Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen.[1]
Theo sử gia Trần Trọng Kim trong tác phẩm Việt Nam sử lược, bộ Đại Việt sử hay Đại Việt sử ký là bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam. Sau khi xâm lược Đại Ngu, nhà Minh đã đưa sách của nước Nam về Trung Quốc, trong đó có 30 quyển Đại Việt sử ký, những sách ấy đã thất lạc.[6]
Trần Trọng Kim viếtː Hai trăm năm mươi năm sau, sử quan Ngô Sĩ Liên, đời vua Lê Thánh Tông, soạn lại bộ Đại Việt sử ký chép từ họ Hồng Bàng đến vua Lê Thái Tổ. Nghĩa là từ ông Ngô Sĩ Liên, ở về thập ngũ thế kỷ trở đi, thì sử ta mới chép truyện về đời thượng cổ.[6]
Đến nay bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu không còn, nhưng những lời nhận xét của ông vẫn được ghi lại trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, gồm 29 đoạn ghi: "Lê Văn Hưu viết...". Trong bài tựa Đại Việt sử ký ngoại kỉ toàn thư, Ngô Sĩ Liên viết: "Văn Hưu là người chép sử giỏi đời Trần, Phu Tiên là bậc cổ lão của thánh triều ta, đều vâng chiếu biên soạn lịch sử nước nhà, tìm khắp các tài liệu còn sót lại, tập hợp thành sách để cho người xem đời sau không có gì phải tiếc nữa, thế là được rồi."
Qua đời
sửaLê Văn Hưu mất ngày 23 tháng 3 (âm lịch) năm Nhâm Tuất[7] (tức 9 tháng 4 năm 1322), thọ 92 tuổi. Ông được an táng ở cánh đồng xứ Mả Giòm (ngôi mộ tọa Quý hướng Đinh), thuộc địa phận xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay ở đó vẫn còn phần mộ với tấm bia dựng năm Tự Đức thứ 20 - 1867, khắc ghi tiểu sử và một bài minh ca tụng tài đức, sự nghiệp của ông.
Tưởng niệm
sửaỞ xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa, có Đền thờ Lê Văn Hưu. Ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước có đường đặt theo tên ông.
Năm 2022, kỷ niệm 700 năm ngày mất của Lê Văn Hưu, Bưu chính Việt Nam phát hành 01 mẫu tem có hình ảnh ông cùng tác phẩm Đại Việt Sử Ký[8].
Nhận định
sửa“ | Văn Hưu là người chép sử giỏi đời Trần, Phu Tiên là bậc cổ lão của thánh triều ta, đều vâng chiếu biên soạn lịch sử nước nhà, tìm khắp các tài liệu còn sót lại, tập hợp thành sách để cho người xem đời sau không có gì phải tiếc nữa, thế là được rồi | ” |
— Lời của sử quan Ngô Sĩ Liên viết trong sách Đại Việt sử ký toàn thư |
“ | Lê Văn Hưu vừa có tài, vừa có hạnh, làm thầy Chiêu-Minh-Vương, đổi làm Kiểm-Pháp-Quan, sửa sách Việt chí | ” |
— An Nam chí lược, Lê Tắc |
Tham khảo
sửa- Đại Việt sử ký toàn thư, soạn giả Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, v.v..., Dịch giả: Viện Khoa Học Xã hội Việt Nam; Nhà xuất bản: Khoa Học Xã hội - Hà Nội 1993.
- An Nam chí lược, soạn giả Lê Tắc, Dịch giả Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Nhà xuất bản Viện Đại học Huế, 1961
- Việt Nam sử lược, soạn giả Trần Trọng Kim, Bộ Giáo dục, Trung tâm học liệu xuất bản.
Chú thích
sửa- ^ a b Đại Việt sử ký toàn thư, soạn giả Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, v.v..., Dịch giả: Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam;Nhà xuất bản: Khoa Học Xã Hội - Hà Nội 1993,Quyển V, Kỷ Nhà Trần, Thái Tông Hoàng Đế
- ^ Chức Hàn lâm học sĩ tức chức Hàn lâm học sĩ (翰林學士, Hanlin Academician)
- ^ Chức Giám tu quốc sử tức Giám tu quốc sử (監修國史, Chief Compiler of the Dynastic History)
- ^ Ấn bản điện tử năm 2001 do Lê Bắc điều hợp của bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội, 1988 có lẽ sai khi viết "Trước đây, Hàn lâm học sĩ kiêm Quốc tử viện giám tu là Lê Văn Hưu vâng mệnh...". Thời Trần và các triều đại đồng thời tại Trung Quốc, chỉ có Quốc sử viện và Quốc tử giám (xem mục Quan chức Chí, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí và A Dictionary of Official Titles in Imperial China, Charles Hucker, 1985, Stanford University Press), hai cơ quan này hoàn toàn khác nhau. Quốc sử viện chuyên trách viện biên soạn quốc sử, thực lục, Quốc sử giám chuyên trách việc giáo dục đào tạo nhân tài đất nước. Quan Lê Văn Hưu được sung vào chức Giám tu quốc sử, cũng là chức đứng đầu Quốc sử viện, chuyên trách việc biên soạn quốc sử thời Trần, chứ không phải là chức trong Quốc tử giám
- ^ Việt Nam sử lược, quyển 1, phần 3, chương 6, trang 129.
- ^ a b Việt Nam sử lược, soạn giả Trần Trọng Kim, Bộ giáo dục trung tâm học liệu xuất bản
- ^ Khôi Nguyên, báo Thanh Hóa, Lê Văn Hưu: Một sử gia uyên bác – một nhân cách lớn, đăng ngày 20/4/2022.
- ^ “Giới thiệu bộ tem "Kỷ niệm 700 năm mất nhà sử học Lê Văn Hưu (1230-1322)"”. vnpost-frontend. 4 tháng 4 năm 2022. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2023.
- ^ An Nam chí lược, soạn giả Lê Tắc, Dịch giả Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Nhà xuất bản Viện Đại học Huế, 1961, phần Danh nhân, quyển Đệ thập ngũ