Chlorurus japanensis
Chlorurus japanensis | |
---|---|
Cá đực | |
Cá cái | |
Tình trạng bảo tồn | |
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Animalia |
Ngành (phylum) | Chordata |
Lớp (class) | Actinopterygii |
Bộ (ordo) | Labriformes |
Họ (familia) | Scaridae |
Chi (genus) | Chlorurus |
Loài (species) | C. japanensis |
Danh pháp hai phần | |
Chlorurus japanensis (Bloch, 1789) | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
|
Chlorurus japanensis là một loài cá biển thuộc chi Chlorurus trong họ Cá mó. Loài này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1789.
Từ nguyên
[sửa | sửa mã nguồn]Từ định danh của loài được đặt theo tên của nơi mà mẫu định danh được tìm thấy, Nhật Bản (–ensis: hậu tố biểu thị nơi chốn)[2].
Phạm vi phân bố và môi trường sống
[sửa | sửa mã nguồn]C. japanensis có phạm vi phân bố khá rộng ở Tây Thái Bình Dương. Từ quần đảo Trường Sa (Việt Nam), phạm vi của loài này mở rộng đến hầu hết khu vực Tam giác San Hô; ngược lên phía bắc đến quần đảo Ryukyu (Nhật Bản) và đảo Đài Loan; trải dài đến rạn san hô Great Barrier và các rạn san hô vòng trên biển San Hô ở phía nam; về phía đông đến quần đảo Mariana, Palau, Liên bang Micronesia, quần đảo Marshall, Vanuatu, Fiji, Tonga và quần đảo Samoa[1].
C. japanensis sống gần các rạn san hô viền bờ và rạn san hô trong các đầm phá ở độ sâu đến ít nhất là 20 m[1].
Mô tả
[sửa | sửa mã nguồn]C. japanensis có chiều dài cơ thể tối đa được biết đến là 31 cm[3]. Thân thuôn dài, hình bầu dục. Vây đuôi hơi tròn hoặc cụt ở cá cái, hơi lõm ở cá đực. C. japanensis cái có màu nâu sẫm nhưng vây đuôi màu đỏ cam. Thân của cá đực có hai màu rõ rệt: màu vàng nhạt ở thân sau, chuyển dần thành màu xanh lục lam ở cuống và vây đuôi, vảy có các vạch màu cam; thân trước màu nâu tím, tạo thành một dải xiên xuống bụng. Đỉnh đầu màu tím xám; hai bên má màu vàng. Có 3 vệt màu xanh lục lam băng qua mắt, vệt dưới cùng nối liền với vệt xanh ở quanh môi[4][5].
Số gai vây lưng: 9; Số tia vây ở vây lưng: 10; Số gai vây hậu môn: 3; Số tia vây ở vây hậu môn: 9; Số tia vây ở vây ngực: 15[3].
Phân loại học
[sửa | sửa mã nguồn]C. japanensis là một loài chị em với Chlorurus sordidus. Cá đực của cả hai có chung kiểu hình là cuống và vây đuôi không cùng màu với thân[6]. Ngoài ra, cả hai loài này cũng có chung kiểu hình ở vây lưng và vây hậu môn (màu xanh lam) với Chlorurus capistratoides: cả hai vây này đều có một dải màu cam ở giữa[6].
Năm 1906, Jordan và Seale đã mô tả hai loài mới nhưng dựa trên hai kiểu hình cá đực và cá cái của C. japanensis: Callyodon abacurus (đực) và Ca. pyrrhurus (cái).
Sinh thái học
[sửa | sửa mã nguồn]Thức ăn của C. japanensis là tảo. C. japanensis sống đơn độc hoặc hợp thành đàn nhỏ trên các mỏm đá và rạn san hô[3]. Cá đực có thể sống theo chế độ hậu cung, với khoảng 2–3 con cá cái trong nhóm[7].
C. japanensis được đánh bắt bằng phương pháp thủ công, nhưng không phải là loài được nhắm mục tiêu[1].
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b c d J. H. Choat và cộng sự (2012). “Chlorurus japanensis”. Sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa. 2012: e.T190719A17794255. doi:10.2305/IUCN.UK.2012.RLTS.T190719A17794255.en. Truy cập ngày 6 tháng 6 năm 2021.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
- ^ Scharpf, C.; Lazara, K. J. (2021). “Order LABRIFORMES: Family LABRIDAE (a-h)”. The ETYFish Project Fish Name Etymology Database. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2021.
- ^ a b c Ranier Froese và Daniel Pauly (chủ biên). Thông tin Chlorurus japanensis trên FishBase. Phiên bản tháng 6 năm 2021.
- ^ John E. Randall; Gerald R. Allen; Roger C. Steene (1998). The Fishes of the Great Barrier Reef and Coral Sea. Nhà xuất bản Đại học Hawaii. tr. 353. ISBN 978-0824818951.
- ^ Dianne J. Bray. “Redtail Parrotfish, Chlorurus japanensis (Bloch 1789)”. Fishes of Australia. Truy cập ngày 6 tháng 6 năm 2021.
- ^ a b Lydia L. Smith và cộng sự (2008). “Phylogenetic Relationships and the Evolution of Regulatory Gene Sequences in the Parrotfishes”. Molecular Phylogenetics and Evolution. 49 (1): 136–152. PMC 3418665.
- ^ D. R. Bellwood (2001). K. E. Carpenter; V. H. Niem (biên tập). The living marine resources of the Western Central Pacific. Vol. 6. Bony fishes part 4 (Labridae to Latimeriidae), estuarine crocodiles, sea turtles, sea snakes and marine mammals (PDF). FAO Species Identification Guide for Fishery Purposes. FAO. tr. 3477. ISBN 978-9251045893.