Maximianus
Maximianus | |||||
---|---|---|---|---|---|
Augustus của Đế quốc La Mã | |||||
Tượng bán thân của Maximianus | |||||
Hoàng đế thứ 52 của Đế quốc La Mã | |||||
Tại vị | 21[1]/25 tháng 7[2] 285 – 286 (là Caesar dưới quyền Diocletianus) 2 tháng 4 năm 286[3] – 1 tháng 5, năm 305 (là Augustus của phía Tây, cùng với Diocletianus là Augustus của phía Đông)[4] | ||||
Tiền nhiệm | Numerianus | ||||
Kế nhiệm | Constantius Chlorus và Galerius | ||||
Thông tin chung | |||||
Sinh | kh. 250[7] Sirmium (nay là Sremska Mitrovica, Serbia) | ||||
Mất | kh. tháng 7, 310 (60 tuổi)[7] Massilia (Marseille, Pháp) | ||||
Phối ngẫu | Eutropia | ||||
Hậu duệ | Flavia Maximiana Theodora Maxentius Fausta | ||||
|
Maximianus hay Maximian (tiếng Latin: Marcus Aurelius Valerius Maximianus Herculius Augustus;[Ghi chú 1] sinh k. 250 - mất k. tháng 7 năm 310[7]) là Hoàng đế La Mã từ năm 286 đến năm 305. Ông mang tước hiệu Caesar từ năm 285 tới 286,[1][2] rồi sau đó trở thành Augustus từ 286 đến 305.[3][4] Ông đã cùng chia sẻ tước hiệu Augustus với vị đồng hoàng đế và cũng là thượng cấp của ông, Diocletianus, người vốn có đầu óc chính trị bổ khuyết cho người hữu dũng như Maximianus. Maximianus đã thiết lập triều đình của mình tại Trier nhưng lại dành phần lớn thời gian cai trị của ông cho những chiến dịch quân sự. Vào cuối mùa hè năm 285, ông đã đàn áp phong trào khởi nghĩa có tên là Bagaudae ở Gallia. Từ năm 285 đến năm 288, ông cầm quân chống lại các bộ tộc người German dọc theo biên giới sông Rhine. Cùng với Diocletianus, ông đã tiến hành một chiến dịch tiêu thổ tiến sâu vào lãnh thổ của người Alamanni vào năm 288, qua đó tạm thời làm giảm bớt mối đe dọa từ người German trên lưu vực sông Rhine.
Ông còn giao cho Carausius trọng trách bảo vệ eo biển Manche nhưng ông ta lại nổi loạn rồi tiếm vị xưng đế vào năm 286 gây ra cuộc ly khai ở Anh và tây bắc xứ Gallia. Maximianus đã thất bại trong cuộc viễn chinh bình định Carausius, và hạm đội xâm lược của ông đã bị một cơn bão phá hủy trong năm 289 hoặc năm 290. Sau đó, một cận thần của Maximianus là Constantius đã tiến hành chiến dịch chống lại người nối nghiệp Carausius là Allectus, trong khi Maximianus đang nắm giữ khu vực biên giới sông Rhine. Sau khi Allectus cùng đám phiến quân bị tiêu diệt năm 296, Maximianus đưa quân về phía nam để đối phó với hải tặc ở gần Hispania (Tây Ban Nha ngày nay) và những cuộc tấn công của người Berber ở Mauretania (Maroc ngày nay). Khi những chiến dịch này kết thúc năm 298, ông đã quay về Ý, tại đây ông sống trong xa hoa cho đến năm 305. Theo mệnh lệnh của Diocletianus, Maximianus thoái vị vào ngày 1 tháng 5 năm 305, giao lại tước hiệu Augustus cho Constantius và thoái ẩn tới miền nam Ý.
Cuối năm 306, Maximianus một lần nữa tự xưng là Augustus và hỗ trợ cho người con trai của ông là Maxentius nổi loạn ở Ý. Tháng 4 năm 307, sau khi thất bại trong việc lật đổ người con trai của mình, ông đã buộc phải chạy đến nương nhờ tại triều đình của người kế vị Constantius là Constantinus I (người vừa là cháu dượng và cũng là con rể của ông) ở Trier. Tại Hội đồng Carnuntum diễn ra vào tháng 11 năm 308, Diocletianus và người kế vị ông ta, Galerius, đã ép Maximianus phải từ bỏ tham vọng nắm giữ ngai vàng của mình một lần nữa. Đầu năm 310, Maximianus đã cố gắng để chiếm đoạt ngôi vương của Constantinus khi vị hoàng đế này đang tham gia chiến dịch trên sông Rhine. Do chỉ được một vài người ủng hộ, Maximianus nhanh chóng bị Constantinus bắt được ở Marseille. Sau đó, Maximianus bị buộc phải tự tử vào mùa hè năm 310 theo mệnh lệnh của Constantinus. Dù trong cuộc chiến tranh diễn ra giữa Constantinus với Maxentius, hình tượng của Maximianus đã bị thanh trừ khỏi tất cả các địa điểm công cộng, nhưng sau khi Maxentius bị Constantinus lật đổ và sát hại, hình tượng của Maximianus lại được khôi phục và ông đã được phong thần.
Đầu đời
[sửa | sửa mã nguồn]Maximianus được sinh ra vào khoảng năm 250 ở gần Sirmium, tỉnh Pannonia (hiện nay là Sremska Mitrovica, Serbia) trong một gia đình chủ hiệu.[9][10] Bên cạnh đó, trong nhiều tài liệu cổ còn có chứa những ám chỉ mơ hồ về Illyricum như là quê hương của ông.[11] Những tài liệu này còn mô tả những đặc trưng con người xứ Pannonia của ông.[12] Sinh ra tại khu vực biên giới sông Danube vốn bị chiến tranh tàn phá, ông nhận được sự giáo dục hà khắc từ cha mẹ.[13] Maximianus gia nhập quân ngũ và phục vụ cùng Diocletianus dưới triều hoàng đế Aurelianus (cai trị 270-275) và Probus (cai trị 276 -282).[14] Ông có thể đã tham gia chiến dịch Lưỡng Hà của hoàng đế Carus năm 283 và tham dự cuộc bầu chọn Diocletianus lên làm hoàng đế vào ngày 20 tháng 11 năm 284 tại Nicomedia. Việc Maximianus nhanh chóng được Diocletianus phong làm Ceasar được nhà văn Stephen Williams và nhà sử học Timothy Barnes nhìn nhận rằng hai con người này vốn là đồng minh lâu năm, địa vị của từng người đã được bàn bạc và thống nhất từ trước, và rằng Maximianus đã có thể đã ủng hộ Diocletianus trong chiến dịch chống lại Carinus (cai trị 283-285) của ông ta. Tuy nhiên, không có bằng chứng trực tiếp cho điều này.[15]
Là một con người đầy nhiệt huyết, bản tính trung thành tháo vát và không ưa nổi loạn, Maximianus là một ứng viên lôi cuốn cho ngôi vị hoàng đế. Nhà sử học thế kỉ thứ 4 Aurelius Victor đã mô tả Maximianus là: "một thiên tài quân sự, là một đồng sự, người bạn đáng tin cậy, dù có hơi quê mùa".[16] Bất chấp những phẩm chất này của mình, Maximianus vốn lại là người vô học, thích hành động hơn là suy nghĩ. Bài văn tán tụng năm 289, sau khi so sánh những hành động của ông với chiến thắng của Scipio Africanus trước Hannibal trong cuộc chiến tranh Punic lần thứ hai, đã cho thấy rằng Maximianus chưa bao giờ nghe nói về hai danh tướng lừng lẫy này.[17] Tham vọng của ông vốn thuần túy về mặt quân sự, còn về mặt chính trị ông đế mặc cho Diocletianus xử lý.[18] Biện thuật gia Lactantius theo đạo Ki-tô cho rằng, tuy Maximianus sở hữu những lập trường cơ bản của Diocletianus nhưng ông lại là người vô đạo đức - điều có thể thấy được qua những sở thích của ông. Maximianus tận dụng mọi cơ hội thuận lợi để thoả mãn nhục dục, điều mà có thể khiến ông phải đánh đổi bằng ngôi vị hoàng đế của mình.[19] Lactantius buộc tội Maximianus làm ô uế con gái của nguyên lão và đi đêm với các trinh nữ trẻ để thỏa mãn dục vọng bất tận của mình. Tuy nhiên, độ tin cậy của những lời nói này đang được đặt dấu hỏi vì tầm nhìn thù địch của Lactantius đối với những người ngoại đạo (Maximianus theo đa thần giáo La Mã và bài xích Ki-tô hữu).[20]
Với vợ của mình, Eutropia người Syria, Maximianus có hai người con: Maxentius và Fausta. Không có bằng chứng trực tiếp nào trong các tài liệu cổ ghi lại ngày sinh của họ. Theo các ước tính hiện nay thì năm sinh của Maxentius nằm trong khoảng từ năm 277 tới năm 287, trong khi năm sinh Fausta vào khoảng năm 298.[21] Ngoài ra, ông còn có một người con gái nữa tên là Theodora, bà là vợ của Constantius Chlorus. Theo các tài liệu cổ, Theodora là con riêng của Eutropia. Dựa vào dẫn chứng này, hai sử gia Otto Seeck và Ernest Stein cho rằng bà là con của Eutropia và người chồng cũ Afranius Hannibalianus.[22] Tuy nhiên, sử gia Barnes lại không thừa nhận quan điểm này và cho rằng tất cả các nguồn ghi "con riêng" vốn lấy thông tin từ một phần trong tác phẩm lịch sử không đáng tin cậy tên là Kaisergeschichte, trong khi những nguồn đáng tin cậy hơn đều ghi rằng bà là con gái ruột của Maximianus.[23] Do đó, Barnes kết luận rằng Theodora đã được sinh ra không muộn hơn năm 275 bởi một người vợ khuyết danh của Maximianus và người vợ khuyết danh này có lẽ là con gái của Hannibalianus.[24]
Được tấn phong là Ceasar
[sửa | sửa mã nguồn]Tại thành phố Mediolanum (Milan, Ý) vào tháng 7 năm 285 [25] Diocletianus tuyên bố Maximianus là người đồng trị vì với ông ta, tức là Ceasar.[26] Những lý do cho quyết định này rất phức tạp. Chiến sự bùng nổ ở tất cả các tỉnh trong toàn đế quốc, từ xứ Gallia cho tới Syria, từ Ai Cập cho đến hạ lưu sông Danube, Diocletianus cần một người thay mặt ông để quản lý khối lượng công việc nặng nề của mình.[27] Sử gia Stephen Williams cho rằng Diocletianus tự coi mình là một vị tướng lãnh tầm thường và cần một người như Maximianus để gánh hầu hết các cuộc chiến cho ông ta[28].
Thứ đến, Diocletianus lại có một yếu điểm đó là ông ta không có bất cứ người con trai nào, mà chỉ có một người con gái tên là Valeria và bà không bao giờ có thể kế vị ông ta. Do vậy, ông ta buộc phải tìm kiếm một người nào đó không thuộc gia đình của mình để cùng cai trị và người này phải là một người mà ông ta cảm thấy đáng tin cậy.[29] (Sử gia William Seston đã lập luận rằng Diocletianus, cũng giống như những vị hoàng đế không có hoàng tử thừa kế trước đó (như Nerva, Trajan hay Hadrian...), đã chọn Maximianus làm filius Augusti ("con trai Augustus") của mình sau khi tấn phong cho ông ta. Một số người đồng ý với ý kiến này, nhưng sử gia Frank Kolb lại cho rằng việc nhận con nuôi chẳng qua là do hiểu sai các tài liệu cổ.[30] Tuy nhiên, điều này không phải là không có khả năng vì Maximianus đã lấy họ Valerius của Diocletianus.[31]
Và cuối cùng, Diocletianus biết rằng việc cai trị đơn độc là một mối nguy hiểm và rằng trước đó đã từng tồn tại tiền lệ cùng chia sẻ quyền lực hoàng đế. Cho dù uy danh đến đâu, ngai vị của một vị hoàng đế đơn độc vẫn có thể dễ dàng bị lung lay, điển hình là hai vị tiên đế Aurelianus và Probus của ông.[32] Aurelianus bị một tên thủ hạ hành thích khi ông đang đứng trên đỉnh vinh quang, sau khi đưa Đế quốc La Mã ra khỏi thời kỳ khủng hoảng. Còn Probus thì bị binh lính ám sát sau khi họ tôn Carus lên ngôi. Trong khi đó, Carus đã chia sẻ quyền lực cùng hai người con trai của ông ta. Dù chỉ cầm quyền trong một thời gian ngắn ngủi hơn một năm, nhưng triều đại Carus khá suôn sẻ, khác với Aurelianus và Probus. Ngay cả vị hoàng đế đầu tiên, Augustus, (cai trị: 27 TCN-19 CN), thay vì tự mình chấp chính, ông ta đã chia sẻ quyền lực với các đồng sự. Kể từ thời Marcus Aurelius (cai trị: 161-180), đã có nhiều hình thức đồng hoàng đế tồn tại một cách chính thức,[33] ví dụ như Marcus Aurelius và Lucius Verus hay Geta và Caracalla. Đó là những lý do tại sao Diocletianus muốn chọn một người mà ông ta tin tưởng làm đồng hoàng đế.
Hệ thống cai trị kép này rõ ràng là có hiệu quả, phản ánh qua một sự kiện có tính chất tôn giáo: vào khoảng năm 287, Diocletianus lấy tên hiệu Iovius trong khi Maximianus lấy tên hiệu Herculius.[34] Iovius và Herculius mang ý nghĩa biểu tượng: Tên hiệu Jove (tức thần Jupiter) mà Diocletianus chọn có vai trò chi phối lập kế hoạch và chỉ huy; trong khi Hercules (tiếng Việt còn gọi là Héc-quyn), với vai trò anh hùng sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao.[35] Tuy nhiên, dù với hai biểu tượng này, hai vị hoàng đế không phải là các "vị thần" trong tôn giáo thờ cúng hoàng đế (mặc dù họ có thể đã được ca ngợi như vậy trong những bài tán tụng hoàng đế). Thay vào đó, họ đã được coi công cụ của các vị thần, là những người đại diện các vị thần trên Trái Đất.[36] Một khi các nghi lễ đã kết thúc, Maximianus sẽ nắm lấy quyền kiểm soát triều đình phía Tây và đã được cử đến Gallia để chống lại quân khởi nghĩa Bagaudae trong khi Diocletianus quay về miền Đông.[37]
Những chiến dịch đầu tiên ở Gallia và Germania
[sửa | sửa mã nguồn]Phong trào Bagaudae ở Gallia thường xuất hiện một cách thoáng qua trong các tài liệu cổ, bắt đầu bằng cuộc nổi dậy đầu tiên vào năm 285 của họ.[38] Nhà sử học thế kỷ thứ tư Eutropius mô tả họ là những người nông dân được dẫn dắt bởi hai người tên là Amandus và Aelianus, trong khi Aurelius Victor gọi họ là những tên cướp.[39] Nhà sử học David S. Potter lại cho rằng, nhóm người này không đơn thuần chỉ là một toán nông dân, có thể họ theo đuổi ý tưởng về một xứ Gallia tự trị hoặc cũng có thế họ có ý định phục vị cho cựu hoàng Carus vừa bị lật đổ (ông này là một người gốc Gallia Narbonensis, thuộc miền Nam nước Pháp ngày nay): trong trường hợp này, họ là những binh sĩ đào ngũ chứ không phải một toán thổ phỉ.[40] Mặc dù nếu xét về nhiều khía cạnh, ví dụ như trang bị vũ khí nghèo nàn, binh lính không được huấn luyện tử tế cộng với tướng tá yếu kém, lực lượng này rõ ràng là đối thủ dưới cơ của các quân đoàn La Mã. Tuy vậy, Diocletianus vẫn xem phong trào Bagaudae là một mối đe dọa đáng để một vị hoàng đế như ông phải bận tâm đối phó.[41] Trong thời gian chuẩn bị cho chiến dịch chống lại người Bagaudae, Maximianus có liên quan đến một vụ thảm sát những binh sĩ theo Chính thống giáo Copt tại tổng hành dinh của một quân đoàn đóng ở Thebes (tại Aucanus thuộc Thụy Sĩ ngày nay) vào mùa xuân năm 285.[42]
Cuối mùa hè năm 285, Maximianus đã tiến quân vào Gallia và giao chiến với lực lượng Bagaudae.[43] Những thông tin chi tiết của chiến dịch này không nhiều: Các nguồn sử liệu chỉ chăm chú vào việc ca ngợi Maximianus cùng những chiến thắng của ông thay vì tường thuật về diễn biến chi tiết cũng như về chiến thuật. Bài tán tụng Maximianus vào năm 289 ghi lại rằng quân khởi nghĩa đã bị đánh bại bởi "sự kết hợp giữa tính tàn nhẫn và lòng khoan dung".[44] Vì đây là một chiến dịch chống lại các công dân của đế quốc, tức là người La Mã đánh người La Mã - một điều được coi là đáng ghê tởm - nên nó không được nhắc đến trong các tước hiệu và các cuộc diễu binh khải hoàn chính thức. Quả đúng như vậy, bài tán tụng Maximianus tuyên bố rằng: "Tôi nói qua tình tiết này một cách nhanh chóng thôi, bởi vì tôi cảm nhận được lòng hào hiệp trong con người của ngài khi ngài thà quên chiến thắng này đi hơn là ăn mừng nó."[45] Đến cuối năm đó, lực lượng khởi nghĩa đã suy yếu một cách đáng kể. Maximianus chuyển phần lớn quân đội của ông tới biên giới sông Rhine, qua đó báo hiệu một thời kỳ ổn định.[46]
Vào mùa thu năm 285, hai đạo quân của người rợ - đạo quân thứ nhất của người Burgundi và người Alamanni, đạo quân thứ hai là của người Chaibones và người Heruli - lội qua sông Rhine và tiến vào xứ Gallia.[47] Đạo quân đầu tiên đã bị để mặc cho chết bệnh và chết đói, trong khi đạo thứ hai bị Maximianus ngăn chặn và đánh bại.[48] Sau đó, ông thiết lập một tổng hành dinh bên sông Rhine hoặc tại Moguntiacum (Mainz, Đức), Augusta Treverorum (Trier, Đức), hoặc tại Colonia Agrippina (Cologne, Đức)[49] để chuẩn bị cho các chiến dịch đến xứ Germania trong tương lai.[50]
Carausius
[sửa | sửa mã nguồn]Mặc dù phần lớn xứ Gallia đã được bình định, khu vực biên giới với eo biển Manche vẫn còn bị hải tặc Frank và Saxon cướp bóc. Các hoàng đế trước đó như Probus và Carinus đã bắt đầu cho gia cố bờ biển Saxon nhưng vẫn còn dang dở,[51] thể hiện qua việc các nhà khảo cổ không thể tìm thấy căn cứ hải quân nào tại Dover và Boulogne trong giai đoạn từ năm 270 đến 285.[52] Để đối phó với vấn đề hải tặc, Maximianus đã bổ nhiệm Mausaeus Carausius, một người Menapii tới từ Hạ Germania (phía nam và phía tây Hà Lan) vào chức vụ chỉ huy khu vực eo biển và để dọn dẹp hết đám hải tặc.[53] Carausius đã làm công việc này rất tốt,[54] vào cuối năm 285 ông ta đã chiếm được một lượng lớn các con tàu hải tặc.[55]
Tuy nhiên, Maximianus sớm nghe được tin rằng Carausius đã chờ đợi cho đến khi đám hải tặc hoàn thành việc cướp bóc rồi mới tấn công và chiếm giữ chiến lợi phẩm cho riêng mình thay vì trả lại cho người dân hoặc nộp vào kho bạc hoàng gia.[56] Maximianus nổi giận, liền lệnh bắt và hành quyết Carausius. Điều này khiến cho ông ta phải chạy trốn đến Britannia. Carausius nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ dân chúng Britannia. Ít nhất hai quân đoàn đóng ở Britannia (II Augusta và XX Valeria Victrix) và có thể một số hoặc tất cả quân đoàn đóng gần Boulogne bên kia eo biển Manche (có thể là XXX Ulpia Victrix) đã đứng về phía ông ta.[Ghi chú 2] Sau đó, Carausius nhanh chóng loại bỏ số ít những người vẫn còn trung thành với Maximianus trong quân đội của mình và tự xưng là Augustus.[57]
Maximianus có lẽ đã bất lực trước cuộc nổi dậy. Ông thiếu một hạm đội vì ông đã giao nó cho Carausius và ông cũng đang phải bận rộn đem quân đi đánh người Heruli và người Frank. Trong khi đó, Carausius tăng cường thêm tàu cho hạm đội của ông ta. Ngoài việc trả lương cao cho quân lính của mình, Carausius còn tuyển mộ thêm lính đánh thuê người Frank.[57] Đến mùa thu năm 286, Britannia cùng phần lớn phía tây bắc Gallia và toàn bộ khu vực bờ biển eo biển Manche đã nằm dưới sự kiểm soát của Carausius.[58] Carausius tuyên bố bản thân ông ta đứng đầu một nhà nước Britannia độc lập, một Britanniarum Imperium (Đế quốc Anh) và cho phát hành tiền xu với độ tinh khiết cao hơn rõ rệt so với những đồng tiền của Maximianus và Diocletianus nhằm lôi kéo tầng lớp thương gia từ Britannia và Gallia.[59] Ngay cả quân đội của Maximianus cũng bị ảnh hưởng bởi thanh thế và sự giàu có của Carausius.[60]
Trở thành Augustus
[sửa | sửa mã nguồn]Thấy Carausius tự xưng là Augustus, Maximianus cũng tự xưng làm Augustus vào ngày 1 tháng 4 năm 286.[3] Điều này giúp ông có được địa vị tương tự và đứng ngang hàng với Carausius.[61] - để cho các cuộc chiến giữa hai người là giữa hai Augusti (số nhiều của Augustus), chứ không phải là giữa một Augustus và một Caesar - và Maximianus được tuyên truyền là người anh em của Diocletianus, bình đẳng với ông ta về cả quyền lực và uy tín.[62] Diocletianus đã không thể có mặt khi Maximianus xưng đế,[Ghi chú 3] đây là lý do khiến Seeck đưa ra giả thuyết là Maximianus tiếm ngôi nhưng vì Diocletianus sợ sẽ xảy ra nội chiến nên ông mới công nhận điều này sau đó. Tuy nhiên, giả thuyết này không đạt được nhiều sự đồng thuận và nhà sử học William Leadbetter mới đây đã bác bỏ nó.[63] Bất chấp khoảng cách vật lý giữa hai vị hoàng đế, sự tin cậy của Diocletianus dành cho Maximianus là đủ để khiến ông trao đại quyền cho cho Maximianus và Maximianus cũng đủ kính trọng Diocletianus để vẫn làm theo ý ông ta.[64]
Về mặt lý thuyết, đế quốc La Mã không phải là một đế quốc kép. Mặc dù cũng có sự phân chia là mỗi vị hoàng đế có triều đình, quân đội, dinh thự riêng, nhưng đây là những vấn đề của thực tiễn, chứ không phải về bản chất. Những tuyên truyền của đế chế từ năm 287 nhấn mạnh về một La Mã duy nhất và không thể chia rẽ, một patrimonium indivisum.[65] Như lời của một kẻ ca ngợi đã từng bày tỏ với Maximianus: "Vậy là đế quốc vĩ đại này là một vật sở hữu chung của cả hai bệ hạ, mà không có bất kỳ bất hoà nào xảy ra, chúng thần cũng không phải hứng chịu những cuộc tranh chấp nào giữa hai bệ hạ, nhưng rõ ràng bệ hạ đã giữ đế quốc này ở thế cân bằng như những gì hai vị Heracleidae, những vị vua của Sparta, đã từng làm được."[66] Những điều luật được ban hành cùng với các lễ hội hoàng gia được tổ chức dưới danh nghĩa của cả hai vị hoàng đế, ngoài ra còn có một đồng tiền chung được lưu hành ở cả hai phần của đế quốc.[67] Diocletianus đã có lắm lúc ban hành mệnh lệnh cho tỉnh Africa của Maximianus và Maximianus có lẽ cũng đã có thể làm những điều tương tự với những vùng đất của Diocletianus.[68]
Chiến dịch chống lại các bộ lạc sông Rhine
[sửa | sửa mã nguồn]Các chiến dịch vào năm 267 và 268
[sửa | sửa mã nguồn]Nhận ra không thể dập tắt cuộc nổi loạn của Carausius ngay lập tức, Maximianus đã khởi binh đánh các bộ lạc dọc sông Rhine trước.[69] Dù cho họ thường tranh chấp với nhau thay vì tấn công La Mã,[70] những bộ lạc này vẫn là một mối đe doạ đáng lo ngại đối với nền hoà bình xứ của Gallia, vì nhiều người trong số họ đứng về phía Carausius. Chỉ còn vài thông tin còn sót lại về thời điểm diễn ra chính xác của chiến dịch sông Rhine của Maximianus trong phạm vi từ năm 285 đến 288.[Ghi chú 4] Ngày 1 tháng 1 năm 287, trong khi đang tiến hành nghi lễ đón nhận các Fasces của chấp chính quan, Maximianus nhận được tin về một cuộc đột kích của người rợ. Ông lập tức cởi bỏ toga (loại áo dài La Mã), vận giáp phục rồi khởi binh đi đánh người rợ. Mặc dù không hoàn toàn đánh tan tác hết toàn bộ quân thù, Maximianus vẫn tiến hành kỷ niệm một chiến thắng ở Gallia trong cùng năm đó.[71]
Maximianus tin rằng các bộ tộc Burgundi và Alemanni sống trong vùng Moselle-Vosges là mối đe doạ lớn nhất, do đó ông nhắm mục tiêu vào họ đầu tiên. Ông tiến hành chiến thuật tiêu thổ, tàn phá vùng đất của họ để khiến cho họ chết dần vì đói khát và bệnh tật. Sau khi đối phó xong với người Burgundi và Alemanni, Maximianus đổi mục tiêu sang bộ tộc Heruli và Chaibones yếu hơn. Hai bộ lạc này đã bị dồn ép và đánh bại chỉ trong một trận. Maximianus đích thân đốc chiến, phi chiến mã dọc theo thế trận cho đến khi người German rơi vào hoảng loạn và tan vỡ. Quân đội La Mã đã truy đuổi các đạo quân người rợ đang tháo chạy và đánh cho họ tan tác. Sau đó, khi mà kẻ thù đang suy yếu vì đói khát,[70] Maximianus đã phát động một cuộc xâm lược toàn diện dọc theo sông Rhine.[72] Ông tiến sâu vào lãnh thổ của người German, mang sự huỷ diệt đến với xứ sở của kẻ thù[70] và thị uy quân lực La Mã.[73] Và đến cuối năm 287, ông đã đạt được thành công như mong đợi và khiến cho các vùng đất dọc theo sông Rhine hoàn toàn sạch bóng người German.[70] Một người ca tụng Maximianus đã phải thốt lên: "Tất cả những gì tôi thấy ở bên kia sông Rhine là đất La Mã".[74]
Chiến dịch chung chống lại người Alamanni
[sửa | sửa mã nguồn]Mùa xuân tiếp đó, khi Maximianus chuẩn bị để đối phó Carausius thì Diocletianus quay trở lại từ miền đông.[75] Hai vị hoàng đế hội ngộ trong năm đó, nhưng không ai biết rõ về địa điểm lẫn thời gian chính xác của cuộc hội ngộ.[76] Họ có lẽ đã thống nhất về một chiến dịch chung chống lại người Alamanni và một cuộc chinh phạt bằng hải quân nhằm đối phó với Carausius.[77]
Cuối năm đó, Maximianus đích thân dẫn quân tập kích bất ngờ Agri Decumates - một vùng đất nằm giữa vùng thượng lưu sông Rhine và thượng lưu sông Danube, nằm sâu trong lãnh địa của người Alamanni. Trong khi đó, Diocletianus xâm lược xứ Germania thông qua vùng đất Raetia. Cả hai cùng tiến hành chiến thuật tiêu thổ, cho đốt phá cây trồng cũng như các nguồn cung cấp lương thảo và phá hủy phương tiện sinh sống của người German tại bất kỳ nơi nào họ đi qua. Kết quả là lãnh thổ đế quốc được mở rộng, Maximianus có thể an tâm tăng cường quân lực mà không vướng phải lo lắng gì khác.[78] Sau cuộc chiến, một loạt đô thị nằm bên bờ sông Rhine đã được tái thiết và ở phía đông sông, tại các địa điểm như Mainz hay Koeln, các đồn quân trên đất địch được xây dựng. Một biên giới quân sự (bao gồm nhiều pháo đài, đường sá và các thị trấn được gia cố) đã được thiết lập và để kết nối các địa điểm dọc theo sông với Tornacum (Tournai, Bỉ), Bavacum (Bavay, Pháp), Atuatuca Tungrorum (Tongeren, Bỉ), Mosae Trajectum (Maastricht, Hà Lan) và Köln, một tuyến đường quân sự đã được xây.[79]
Constantius, Gennobaudes và tái định cư
[sửa | sửa mã nguồn]Đầu năm 288, Maximianus hạ lệnh cho pháp quan thái thú Constantius Chlorus, chồng của con gái ông là Theodora, dẫn quân thảo phạt người Frank - đồng minh của Carausius. Những người Frank này kiểm soát cửa sông Rhine, ngăn cản kế hoạch giương buồm vượt biển đánh Carausius. Constantius nhận lệnh liền dẫn quân bắc tiến. Ông tiến sâu vào đất địch, gây cảnh tang tóc, rồi cuối cùng cũng lên đến bờ biển Bắc. Người Frank vội vã cầu hòa. Maximianus cho vị vua Gennobaudes bị phế truất trước đó được phục hồi ngai vị.[71] Gennobaudes trở thành chư hầu của Maximianus cùng với một vài tù trưởng người Frank lần lượt tuyên thệ trung thành với Gennobaudes. Qua đó, sự thống trị của La Mã trong khu vực đã được đảm bảo.[80]
Maximianus cho phép các bộ lạc như người Frisii, người Frank sông Sal, Chamavi và các bộ tộc khác định cư dọc theo một dải lãnh thổ La Mã, nằm giữa các con sông Rhine và Waal từ Noviomagus (Nijmegen, Hà Lan) đến Traiectum, (Utrecht, Hà Lan) hoặc gần Trier.[73] Những bộ tộc này được phép định cư với điều kiện là họ phải phục tùng người La Mã. Sự hiện diện của họ tạo nên một nguồn nhân lực dồi dào, ngăn cản sự định cư của các bộ lạc người Frank, tạo cho Maximianus một vùng đệm dọc theo bờ phía bắc sông Rhine và giảm nhu cầu hiện diện của quân đội La Mã trong khu vực này.[79]
Các chiến dịch sau này ở Gallia và Anh
[sửa | sửa mã nguồn]Viễn chinh Carausius thất bại
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 289, Maximianus đã chuẩn bị xâm lược đảo Anh (đang nằm dưới quyền kiểm soát của Carausius). Tuy vậy, kế hoạch này đã thất bại vì một vài lý do nào đó. Bài văn ca ngợi Maximianus năm 289 có những lời lẽ rất lạc quan về viễn cảnh của chiến dịch.[81] Tuy nhiên, bài tán tụng năm 291 lại không hề có một từ nào đề cập đến nó. Trong khi đó, bài văn ca ngợi Constantius có đề cập đến chuyện hạm đội của ông ta đã bị một cơn bão đánh đắm.[82] Tuy nhiên, rất có thể điều này đã được bịa ra để che nỗi nhục cho chiến dịch không thành công.[83] Diocletianus đã kết thúc sớm chuyến vi hành đến các tỉnh miền Đông ngay sau đó, có lẽ vì biết Maximianus đã thất bại, và vội vàng quay trở về phía tây. Ông ta đến Emesa vào ngày 10 tháng 5 năm 290[84] và đến Sirmium (nằm bên sông Danube) vào ngày 01 tháng 7 cùng năm.[85]
Diocletianus hội kiến cùng Maximianus tại Milano vào cuối tháng 12 năm 290 (cũng có thể là vào tháng 1 năm 291).[86] Dân chúng tụ tập đông đảo để chứng kiến sự kiện này. Hai vị hoàng đế cũng đã dành nhiều thời gian để phô trương thanh thế trước dân chúng.[87] Sử gia Potter cùng nhiều người khác đã phỏng đoán rằng nghi thức này đã được Diocletianus chuẩn bị để chứng minh rằng ông ta sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người đồng sự đang gặp khó khăn của mình. Hai người đã bí mật thảo luận về các vấn đề chính trị và chiến tranh,[88] và có lẽ đã bàn về ý tưởng tăng số lượng hoàng đế từ hai lên bốn (tức chế độ Tứ đầu chế). Cũng trong cuộc hội ngộ này, hai người đã tiếp một phái đoàn đến từ Viện nguyên lão La Mã và qua đó khôi phục lại những cuộc gặp mặt vốn hiếm khi diễn ra giữa hoàng đế với các vị quan trong triều.[89] Sau sự kiện này, hai vị hoàng đế sẽ không gặp lại nhau cho đến năm 303.[90]
Sau cuộc xâm lược bất thành năm 289, Maximianus buộc phải miễn cưỡng ký hiệp định ngừng chiến với Carausius. Điều này có nghĩa rằng ông phải chấp nhận sự cai trị của Carausius ở phía hai bờ eo biển Manche nhưng ông từ chối công nhận tính hợp pháp một cách chính thức cho nhà nước ly khai này. Về phần mình, Carausius đã thoả mãn với những lãnh thổ chiếm được ở Gallia.[91] Tuy nhiên, Diocletianus tất nhiên sẽ không thể bỏ qua dễ dàng cho sự sỉ nhục này. Phải đối mặt với sự ly khai của Carausius cũng như những bất ổn tại vùng biên ải ở Ai Cập, Syria và sông Danube, ông ta nhận ra rằng chỉ có hai vị hoàng đế là vẫn chưa đủ để có thể quản lý toàn bộ đế quốc La Mã rộng lớn.[92] Ngày 01 tháng 3 năm 293 tại Milano, Maximianus đã tấn phong danh hiệu Caesar cho Constantius.[93] Trong cùng một ngày hoặc cũng có lẽ khoảng một tháng sau đó, Diocletianus cũng làm điều tương tự với việc tấn phong Galerius làm Caesar, qua đó chế độ "Tứ đầu chế" nghĩa là "bốn người cai trị" được thiết lập.[89] Sau khi trở thành Caesar, Constantius nhận thức được rằng ông ta phải thành công tại những nơi Maximianus đã thất bại: ông ta phải đánh bại được Carausius và tái chiếm lại đảo Anh.[94]
Thảo phạt Allectus
[sửa | sửa mã nguồn]Constantius nhanh chóng đáp ứng kỳ vọng. Ông đuổi Carausius khỏi bắc Gallia vào năm 293. Cùng năm đó, Carausius bị ám sát và được thay thế bởi viên trưởng quan tài chính tên là Allectus.[95] Constantius hành quân dọc bờ biển đến vùng hạ lưu sông Rhine và sông Scheldt, tại đây ông ta đã đánh bại người Frank - đồng minh của Carausius và nhận được danh hiệu Germanicus maximus (Người chiến thắng ở Germania).[96] Sau thắng lợi này, ông ta hướng mục tiêu của mình sang đảo Anh. Những năm sau đó, Constantius xây dựng một hạm đội phục vụ cho cuộc xâm lược.[97] Trong khi đó, Maximianus vẫn còn ở Ý sau khi phong cho Constantius làm Caesar. Ông quay trở lại Gallia vào mùa hè năm 296 sau khi nhận được thông báo về kế hoạch xâm lược.[98] Tại đây, ông đã giữ vững biên giới sông Rhine chống lại đồng minh người Frank của Carausius trong lúc Constantius phát động cuộc xâm lược đảo Anh.[99] Hoàng đế tiếm hiệu Allectus bị pháp quan thái thú Asclepiodotus của Constantius giết chết ở North Downs. Sau đó, Constantius đã đổ bộ ở gần Dubris (Dover) rồi tiến đến Londinium (London), ở đây ông ta được nhân dân trong thành chào đón như là một người giải phóng.[100]
Chiến dịch ở Bắc Phi
[sửa | sửa mã nguồn]Sau khi Constantius ca khúc khải hoàn trở về, Maximianus có thể tập trung vào cuộc chiến ở Mauretania (tây bắc châu Phi).[101] Trong thế kỷ thứ ba, khi chính quyền La Mã suy yếu, các bộ lạc du mục người Berber đã quấy rối các khu dân cư trong vùng cùng những hậu quả mà ngày càng nghiêm trọng. Năm 289, viên thống đốc tỉnh Mauretania Caesariensis (ở vào khoảng Algérie ngày nay) đã tạm thời có được một thời gian hòa hoãn sau khi ông ta tập hợp được một đội quân nhỏ để chống lại người Bavares và Quinquegentiani, nhưng những đám cướp này đã sớm quay trở lại. Năm 296, Maximianus tập hợp một đội quân bao gồm các thành viên đội cấm vệ quân La Mã, các quân đoàn lê dương ở Aquileia, Ai Cập và Danube, quân trợ chiến người Gallia và người German cùng những tân binh từ Thracia.[102] Họ tiến sang Tây Ban Nha mùa thu năm đó.[102] Có lẽ ông đã phải bảo vệ khu vực này trước những cuộc tập kích của người Moor[103] trước khi vượt eo biển Gibraltar và tiến vào Mauretania Tingitana (ngày nay là Maroc) để bảo vệ khu vực này khỏi đám cướp biển người Frank.[104]
Tháng 3 năm 297, Maximianus bắt đầu tiến hành một cuộc tấn công đẫm máu chống lại người Berber. Chiến dịch này đã kéo dài và Maximianus đã buộc phải trải qua mùa đông 297-298 ở Carthage trước khi trở lại chiến trường.[105] Không hài lòng khi chỉ đuổi họ quay về quê ở dãy Atlas - tại nơi mà họ có thể tiếp tục tiến hành chiến tranh - nên Maximianus quyết định tiến sâu vào đất của người Berber. Dù gặp phải địa hình không thuận lợi cộng với lối đánh du kích sở trường của người Berber nhưng Maximianus vẫn dồn ép được họ. Rõ ràng ông muốn trừng phạt các các bộ lạc này bằng mọi cách có thể, ông xua quân tàn phá vùng đất vừa mới giành được, tàn sát vô số cư dân và xua đuổi những kẻ còn sống phải chạy vào sa mạc Sahara.[106] Chiến dịch bình định Bắc Phi kết thúc vào mùa xuân năm 298. Vào ngày 10 tháng 3, ông ca khúc khải hoàn tiến vào thành Carthage.[107] Bia ký ở đó ghi lại lòng biết ơn của nhân dân với Maximianus, họ tung hô ông là redditor lucis aeternae ("người khôi phục lại ánh sáng vĩnh cửu"), giống như những gì Constantius đã nhận được khi ông ta tiến vào London không lâu trước đó.[106] Maximianus quay trở lại Ý năm 299 để tổ chức một buổi lễ mừng chiến thắng ở Roma vào mùa xuân.[108]
Tiêu khiển và thoái ẩn
[sửa | sửa mã nguồn]Sau thành công ở Bắc Phi, Maximianus quay về miền bắc nước Ý, sống tiêu khiển trong các cung điện tại Milano và Aquilea và để mặc chuyện binh đao cho người hạ cấp Constantius xử lý.[109] Khác với Constantius, ông không có mối quan hệ tốt với Viện nguyên lão. Sử gia Lactantius cho rằng ông đã cho người khủng bố các vị nguyên lão, bằng những lời cáo buộc giả mạo và thường xuyên hành quyết một vài người bao gồm cả vị thái thú Roma trong những năm 301/2.[110] Ngược lại, Constantius lại có mối quan hệ tốt với tầng lớp quý tộc nguyên lão và ông ta dành phần lớn thời gian của mình vào các hoạt động bảo vệ đế quốc. Ông ta đích thân cầm quân đốc chiến với người Frank trong năm 300 hoặc 301, thảo phạt người German ở thượng lưu sông Rhine năm 302 trong khi Maximianus vẫn ở lại Ý mà hưởng lạc.[103]
Maximianus chỉ bị xáo trộn bởi lễ kỷ niệm 20 năm tại vị vicennalia của Diocletianus tại Roma vào năm 303. Một số bằng chứng cho thấy rằng Diocletianus đã từng hứa với Maximianus là hai người sẽ thoái ẩn cùng nhau và nay đã là lúc mà ông phải thực hiện lời hứa đó. Hai người sẽ truyền danh hiệu Augusti của họ lại cho hai Caesar là Constantius và Galerius.[111] Có lẽ Maxentius, con trai của Maximianus và Constantinus, con trai của Constantius, những đứa trẻ đã từng lớn lên ở Nicomedia sẽ cùng nhau trở thành hai vị Caesar mới sau đó. Chừng nào Maximianus còn chưa mong muốn thoái vị, Diocletianus vẫn còn nắm quyền, thì mâu thuẫn giữa họ vẫn chưa bùng phát. Trước khi thoái vị, Maximianus đã nhận được một khoảnh khắc vinh quang cuối cùng khi ông là người cử hành tại hội thi đấu trăm năm một lần vào năm 304.[112]
Vào ngày 1 tháng 5 năm 305, tại các nghi lễ riêng diễn ra ở Milano và Nicomedia, cả Diocletianus và Maximianus đều tuyên bố thoái vị cùng một lúc. Sự nối ngôi có lẽ đã không hoàn toàn theo như ý muốn của Maximianus. Điều này có lẽ do ảnh hưởng từ Galerius khi Severus và Maximinus được tấn phong làm Caesar thay vì con trai ông là Maxentius. Cả hai vị tân Caesar đều có đời binh nghiệp lâu dài và đều là thân tín của Galerius: Maximinus là cháu trai, còn Severus một cựu đồng chí trong quân ngũ của ông ta.[113] Maximianus nhanh chóng tỏ ra không hài lòng với chế độ "tứ đầu chế" mới sau khi nhìn thấy Galerius nắm giữ địa vị thống lĩnh trước đó thuộc về Diocletianus. Mặc dù chính miệng Maximianus tuyên bố Severus làm Caesar trong đại lễ tấn phong, nhưng chỉ hai năm sau, ông đã ủng hộ con trai mình nổi loạn chống lại chế độ mới.[114] Sau khi thoái vị, Diocletianus lui về một cung điện rộng lớn mà ông ta đã cho xây dựng tại quê hương Dalmatia gần Salona bên bờ biền Adriatic của mình. Còn bản thân Maximianus thì lại lui về biệt thự tại Campania hay Lucania, tại đây ông đã sống một cuộc sống an nhàn và xa hoa.[115] Mặc dù ở cách xa các trung tâm chính trị của Đế quốc, Diocletianus và Maximianus vẫn ở đủ gần để giữ liên lạc thường xuyên.[116]
Cuộc nổi loạn của Maxentius
[sửa | sửa mã nguồn]Sau cái chết của Constantius Chlorus vào ngày 25 tháng 7 năm 306, con trai của ông ta, Constantinus, đã tự xưng là Augustus. Điều này đã khiến Galerius cảm thấy khó chịu và ông ta đã đưa ra lời đề nghị là sẽ phong tước hiệu Caesar cho Constantinus, điều mà Constantinus đã chấp nhận. Sau đó, Galerius đã tấn phong cho Severus trở thành Augustus của phía Tây.[117] Maxentius vì ghen tị với vị trí của Constantinus nên đã thuyết phục một toán cấm vệ quân tôn ông ta lên làm Augustus vào ngày 28 tháng 10 năm 306. Lo lắng vì phải một mình đốc chính, Maxentius đã gửi hoàng bào cho Maximianus và tôn xưng ông làm "Augustus lần thứ hai". Mặc dù trên lý thuyết, Maxentius đã ban cho phụ hoàng quyền lực ngang ngửa với mình, nhưng thực tế thì Maximianus chỉ nắm giữ được một ít quyền lực và có địa vị thấp hơn.[118]
Galerius từ chối công nhận Maxentius và lệnh cho Severus đem quân tới Roma để hạ bệ ông ta. Dưới trướng Severus có nhiều binh sĩ đã từng phục vụ Maximianus nên khi Maxentius mua chuộc họ, hầu hết binh sĩ đã đào ngũ sang phe Maxentius. Rơi vào hoàn cảnh này, Severus buộc phải chạy trốn tới Ravenna, tại đây ông ta bị Maximianus đem quân tới bao vây. Ravenna là một toà thành kiên cố, dễ thủ khó công nên Maximianus đã đưa ra một lời đề nghị mà khiến cho Severus phải chấp thuận. Sau đó, Maximianus đã bắt giữ Severus rồi đem giảm lỏng ông ta như là một con tin trong một biệt thự công nằm ở phía nam thành Roma. Mùa thu năm 307, Galerius khởi binh đi đánh Maxentius nhưng lại thất bại trong việc chiếm đóng thành Roma. Ông ta buộc phải rút lui về phía bắc với một đội quân còn nguyên vẹn, chưa gặp phải tổn thất gì to tát.[119]
Trong khi Maxentius xây dựng hệ thống phòng thủ cho thành Roma, Maximianus đi đến Gallia để đàm phán với Constantinus. Maximianus đã đưa ra đề nghị rằng Constantinus sẽ kết hôn với người con gái út của ông tên là Fausta và được nâng lên một bậc từ Caesar thành Augustus trong chế độ ly khai của Maxentius. Đổi lại, Constantinus sẽ tái khẳng định liên minh gia đình cũ giữa Maximianus và Constantius và ủng hộ đại nghiệp của Maxentius ở Ý nhưng vẫn sẽ giữ trung lập trong cuộc chiến tranh với Galerius. Thỏa thuận này đã được đóng dấu tại một buổi đại lễ kép tại Trier vào cuối mùa hè năm 307 khi Constantinus kết hôn với Fausta và được tấn phong làm Augustus bởi Maximianus.[120]
Maximianus quay về Roma vào mùa đông năm 307–8 nhưng sớm xảy ra bất đồng với con trai. Mùa xuân năm 308, vị hoàng đế danh nghĩa yêu cầu quyền binh cho mình trước hội đồng binh sĩ La Mã. Ông nói về một chính phủ La Mã yếu kém, chê bai Maxentius vì đã làm suy yếu nó sau đó tiến tới và giật tía bào ra khỏi vai Maxentius. Ông đã chờ đợi những binh sĩ sẽ công nhận ông nhưng thay vào đó, họ lại đứng về phía Maxentius. Vị cựu hoàng bị buộc phải rời nước Ý trong sự ô nhục.[121]
Để giải quyết những bất ổn chính trị, Galerius cho mời Diocletianus (đã thoái vị) và Maximianus đến một cuộc họp hội đồng chung tại Carnuntum, một thành phố quân sự nằm bên bờ sông Danube vào ngày 11 tháng 11 năm 308. Tại đây, Maximianus tiếp tục bị buộc phải thoái vị còn Constantinus một lần nữa bị giáng xuống làm Caesar cùng với Maximinus Daia là Caesar ở phía đông. Licinius, một đồng đội trung thành của Galerius đã được bổ nhiệm làm Augustus ở phía Tây.[122] Đầu năm 309, Maximianus quay trở lại triều đình của Constantinus ở Gallia — triều đình duy nhất vẫn còn chấp nhận vị cựu hoàng.[123] Sau khi Constantinus và Maximinus từ chối danh hiệu "Con trai của Augusti" vì không hài lòng với nó. Cả hai đều được tôn lên làm Augustus năm 310. Kết quả là nay đã có bốn Augusti cai trị đế quốc La Mã cùng lúc.[124]
Nổi dậy chống lại Constantinus
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 310, Maximianus nổi dậy chống lại Constantinus khi hoàng đế dẫn quân đi chinh phạt người Frank. Trước đó, Maximianus đã được lệnh đem một số binh sĩ của Constantinus về phía nam tới Arles để chống cự các cuộc tấn công từ Maxentius ở miền nam Gallia. Tại Arles, Maximianus tuyên bố rằng Constantinus đã qua đời và tự mình mặc tía bào.[Ghi chú 5] Mặc dù Maximianus tỏ ý sẽ ban thưởng hậu hĩnh cho những người nào theo ông nhưng phần đông binh sĩ của Constantinus vẫn giữ lòng trung thành và Maximianus bị ép phải rời khỏi thành phố. Constantinus sớm nhận được tin báo về cuộc nổi loạn này. Ông ta lập tức huỷ bỏ chiến dịch bình định người Frank và nhanh chóng hành quân về miền nam Gallia, tại đây ông ta đối mặt với một Maximianus đang bỏ trốn ở Massilia (Marseille). Thành phố này phù hợp cho một cuộc phòng thủ trường kỳ hơn là Arles, nhưng những công dân trung thành đã mở cổng phía sau để Constantinus tiến quân vào. Maximianus bị bắt, bị quở trách vì những gì ông gây ra và bị tước đế hiệu thêm lần nữa - lần thứ ba và lần cuối cùng. Constantinus đã ban cho Maximianus một số sự khoan hồng nhưng lại khuyến khích vị cựu hoàng tự sát. Tháng 7 năm 310, Maximianus đã treo cổ tự vẫn.[125]
Mặc dù quan hệ cha con trước đó đã vỡ lở nhưng sau khi Maximianus tự tử, Maxentius lại ra vẻ như là một người con tận tụy của phụ hoàng.[126] Maxentius đã cho đúc những đồng tiền mang hình ảnh phong thần của phụ hoàng và tuyên bố mong muốn rằng sẽ trả thù cho cái chết của ông.[127]
Ban đầu Constantinus nói rằng việc Maximianus tự tử là một bi kịch không may của gia đình. Tuy nhiên, năm 311, ông ta đã cho truyền bá một phiên bản khác của câu chuyện. Theo phiên bản này, sau khi đã được Constantinus tha thứ, Maximianus lên kế hoạch giết Constantinus khi hoàng đế đang ngủ. Hoàng hậu Fausta đã biết về ý đồ này và đã cảnh báo Constantinus. Ông ta cho một viên thái giám nằm trên giường thế mạng mình. Maximianus bị bắt sau khi ông hạ sát viên thái giám và bị buộc phải tự tử, điều mà chính vị cựu hoàng đã chấp thuận.[128] Ngoài những công tác tuyên truyền, Constantinus còn thực hiện việc xóa bỏ khỏi lịch sử -damnatio memoriae-[Ghi chú 6] đối với Maximianus, ông ta đã ra lệnh phá hủy tất cả những gì liên quan đến vị cựu hoàng và cho người phá huỷ bất kỳ công trình công cộng nào mang hình ảnh của Maximianus.[129]
Constantinus đánh bại Maxentius tại trận Cầu Milvian vào ngày 28 tháng 10 năm 312. Sau khi Maxentius chết, Ý rơi vào tay Constantinus.[130] Thái hậu Eutropia (vợ của Maximianus) đã phải thề rằng Maxentius không phải con trai Maximianus. Sau đó, những hình ảnh của Maximianus đã được phục hồi. Những sự sùng bái Maximianus dưới triều Maxentius được tuyên bố là vô hiệu. Ông đã được tái phong thần thêm một lần nữa, có lẽ là vào năm 317. Năm 318, hình ảnh của ông bắt đầu xuất hiện trên tiền đúc của Constantinus cùng với Constantius và Claudius II với tên divus, tiếng Latin có nghĩa là thần thánh.[131] Cả ba đã được ca tụng là những bậc tiền bối của Constantinus. Họ được gọi là "những vị hoàng đế hiền minh nhất trong số các hoàng đế [La Mã]".[132] Thông qua hai người con gái là Fausta (vợ của Constantinus) và Flavia (vợ của Constantius và là mẹ của Constantinus), Maximianus là ông nội hoặc ông cố của tất cả các vị hoàng đế trị vì từ năm 337 đến 363.[133]
Thay đổi tên
[sửa | sửa mã nguồn]- Tên lúc sinh Maximianus
- 285, được tấn phong là Caesar bởi Diocletianus: Aurelius Valerius Maximianus Caesar
- 286, được tấn phong là Augustus bởi Diocletianus: Imperator Caesar Marcus Aurelius Valerius Maximianus Pius Felix Invictus Augustus Herculius
- 287, nhận thêm tước hiệu Germanicus Maximus
- 289, nhận thêm tước hiệu Sarmaticus Maximus
- 295, nhận thêm tước hiệu Persicus Maximus
- 297, nhận thêm tước hiệu Britannicus Maximus Carpicus Maximus
- 298, nhận thêm tước hiệu Armenicus Maximus Medicus Maximus Adiabenicus Maximus
- 310, được tôn hiệu lúc mất: Imperator Caesar Marcus Aurelius Valerius Maximianus Pius Felix Invictus Augustus Germanicus Maximus V Sarmaticus Maximus III Persicus Maximus II Britannicus Maximus Carpicus Maximus Armenicus Maximus Medicus Maximus Adiabenicus Maximus, Pontifex Maximus, Herculius, Tribuniciae Potestatis XXI, Consul IX, Imperator XXI, Pater Patriae
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Ghi chú
- ^ Trong tiếng Latin cổ điển, tên của Maximianus được viết là MARCVS AVRELIVS VALERIVS MAXIMIANVS HERCVLIVS AVGVSTVS
- ^ Potter, 284; Southern, 139–40; Williams, 47. Phần lớn những thông tin về những quân đoàn theo Carausius làm phản đều được lấy từ những đồng tiền của ông ta. Tuy nhiên, điều lạ lùng là quân đoàn Legio VI Victrix từ Eboracum (York, Vương quốc Anh ngày nay) ở ngay gần đó, đáng lý ra phải là một trong số nhưng quân đoàn theo Carausius nhưng lại không được nhắc đến (Southern, 332). Cuốn Panegyrici Latini 8(4)12.1 nói rằng có một quân đoàn trong lục địa có lẽ là XXX Ulpia Victrix đã theo Carausius (Potter, 650).
- ^ Potter, 282, 649. Diocletian có lẽ đang ở một nơi nào đó giữa Byzantium (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), nơi ông ta đã ở vào ngày 22 tháng 3 năm 286 và Tiberias, nơi ông ta đã ở từ 31 tháng 5 đến 31 tháng 8 năm 286 (Barnes, New Empire, 50–51; Potter, 282, 649).
- ^ Southern, 142. Barnes' New Empire ghi năm thời điểm của giai đoạn này: Đầu tiên, 10 tháng 2, 286 tại Milan (Codex Justinianus 8.53(54).6; Fragmenta Vaticana 282); 21 tháng 6, 286 tại Mainz (Fragmenta Vaticana 271); 1 tháng 1, 287 Trier hoặc Köln hoặc Mainz (Panegyrici Latini 10(2).6.2 ff.); và 287, "cuộc viễn chinh dọc sông Rhine" của ông ấy (Panegyrici Latini 10(2).7.1ff.) (Barnes, New Empire, 57).
- ^ Thời La Mã cổ đại, màu tía là màu tượng trưng cho hoàng gia, cũng giống như màu vàng ở các quốc gia Đông Á. Sau này, trong thời Đông La Mã/Byzantine, thuật ngữ "Porphyrogenitus" hay "Porphyrogennetos" được sử dụng để chỉ các thành viên hoàng tộc và được dịch sang tiếng Anh là "born in the purple", dịch sát nghĩa là "sinh ra trong màu tía" nhưng có nghĩa là dòng dõi vương giả.
- ^ Tiếng La Tinh, damnatio có nghĩa là "trừng phạt", memoriae là "ký ức", có nghĩa là xoá bỏ tất cả hình ảnh của người nào đó và khiến tên tuổi người đó bị chìm vào lãng quên
- Chú thích
- ^ a b Barnes, Constantine and Eusebius, 6; Barnes, New Empire, 4.
- ^ a b Potter, 280–81.
- ^ a b c Barnes, Constantine and Eusebius, 6–7; Potter, 282; Southern, 141–42. The chronology of Maximian's appointment to Augustus is somewhat uncertain (Corcoran, "Before Constantine", 40; Southern, 142). It is sometimes suggested that Maximian was appointed Augustus from July 285, and never appointed Caesar. This suggestion has not received much support (Potter, 281; Southern, 142; following De Casearibus 39.17).
- ^ a b Barnes, New Empire, 4.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 32–34; Barnes, New Empire, 13; Elliott, 42–43; Lenski, 65; Odahl, 90–91; Pohlsander, Emperor Constantine, 17; Potter, 349–50; Treadgold, 29.
- ^ Barnes, New Empire, 13.
- ^ a b c Barnes, New Empire, 32.
- ^ For full titulature, see: Barnes, New Empire, 17–29.
- ^ Epitome de Caesaribus 40.10, quoted in Barnes, New Empire, 32; Barnes, New Empire, 32; Rees, Layers of Loyalty, 30; Williams, 43–44.
- ^ Pohlsander, Hans A. (1996). The Emperor Constantine. Psychology Press. tr. 7. ISBN 978-0-415-13178-0. Truy cập ngày 12 tháng 10 năm 2010.
- ^ Victor, Liber de Caesaribus 39.26, quoted in Barnes, New Empire, 32.
- ^ Panegrici Latini 10(2).2.2ff, quoted in Barnes, New Empire, 32.
- ^ Panegrici Latini 10(2).2.4, quoted in Rees, Layers of Loyalty, 44–45.
- ^ Barnes, New Empire, 32–33; Rees, Layers of Loyalty, 30.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 6; Williams, 43–44.
- ^ Victor, Liber de Caesaribus 39, quoted in Williams, 44.
- ^ Panegyrici Latini 10(2), quoted in Williams, 44.
- ^ Williams, 44.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 13.
- ^ Lactantius, De mortibus persecutorum 8, quoted in Williams, 44.
- ^ Barnes, New Empire, 34. Barnes dates Maxentius' birth to circa 283, when Maximian was in Syria, and Fausta's birth to 289 or 290 (Barnes, New Empire, 34).
- ^ Aurelius Victor, de Caesaribus 39.25; Eutropius, Breviaria 9.22; Jerome, Chronicle 225g; Epitome de Caesaribus 39.2, 40.12, quoted in Barnes, New Empire, 33; Barnes, New Empire, 33.
- ^ Origo Constantini 2; Philostorgius, Historia Ecclesiastica 2.16a, quoted in Barnes, New Empire, 33. See also Panegyrici Latini 10(2)11.4.
- ^ Barnes, New Empire, 33–34.
- ^ The event has been dated to both July 21 (Barnes, Constantine and Eusebius, 6; Barnes, New Empire, 4; Bowman, 69) and July 25 (Potter, 280–81).
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 6; Barnes, New Empire, 4; Bowman, 69; Corcoran, "Before Constantine", 40; Potter, 280–81.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 6; Rees, Layers of Loyalty, 30; Southern, 136.
- ^ Williams, 45.
- ^ Potter, 280; Southern, 136; Williams, 43.
- ^ Bowman, 69; Odahl, 42–43; Southern, 136, 331; Williams, 45.
- ^ Bowman, 69.
- ^ Potter, 280.
- ^ Corcoran, "Before Constantine", 40.
- ^ Corcoran, "Before Constantine", 40; Liebeschuetz, Continuity and Change, 235–52, 240–43; Odahl, 43–44; Rees, Layers of Loyalty, 32–33.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 11–12; Corcoran, "Before Constantine", 40; Odahl, 43; Rees, Layers of Loyalty, 32–33, 39, 42–52; Southern, 136–37; Williams, 58–59.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 11.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 6; Southern, 137; Williams, 45–46.
- ^ Rees, Layers of Loyalty, 29.
- ^ Eutropius, Brev. 9.20; Aurelius Victor, de Caesaribus, 39.17, quoted in Rees, Layers of Loyalty, 29–30.
- ^ Potter, 281–82.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 6; Barnes, New Empire, 10; Rees, Layers of Loyalty, 30; Southern, 137; Williams, 45–46.
- ^ O'Reilly, Lost Legion Rediscovered: The Mystery of the Theban Legion, 117-122.
- ^ Barnes, New Empire, 57; Bowman, 70–71.
- ^ Southern, 137.
- ^ Panegyrici Latini 10(2), quoted in Williams, 46; Southern, 137.
- ^ Southern, 139–138; Williams, 46.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 6; Barnes, New Empire, 57; Bowman, 71; Rees, Layers of Loyalty, 31.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 6.
- ^ Potter, 282–83. Potter and Barnes (New Empire, 56) favor Trier; Williams (Diocletian, 46) favors Mainz.
- ^ Williams, 46.
- ^ Southern, 138; Williams, 46.
- ^ Potter, 284.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 6; Barnes, New Empire, 57.
- ^ Bowman, 71; Southern, 138; Williams, 46–47.
- ^ Southern, 138; Williams, 46–47.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 6–7; Bowman, 71; Potter, 283–84; Southern, 137–41; Williams, 47.
- ^ a b Williams, 47.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 7; Bowman, 71; Southern, 140.
- ^ Williams, 47–48.
- ^ Potter, 284; Williams, 61–62.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 7; Bleckmann; Corcoran, "Before Constantine", 40; Potter, 282; Southern, 141–42; Williams, 48.
- ^ Williams, 48.
- ^ Potter, 282, 649.
- ^ Potter, 282; Williams, 49.
- ^ Bowman, 70; Potter, 283; Williams, 49, 65.
- ^ Panegyrici Latini 10(2)9.4, trích trong Potter, 283.
- ^ Potter, 283; Williams, 49, 65.
- ^ Potter, 283.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 7; Bowman, 71; Corcoran, "Before Constantine", 40.
- ^ a b c d Williams, 50.
- ^ a b Barnes, Constantine and Eusebius, 7; Bowman, 72.
- ^ Barnes, New Empire, 57; Williams, 50.
- ^ a b Barnes, Constantine and Eusebius, 7.
- ^ Panegyrici Latini 10(2).7.7, được dịch bởi Nixon trong Nixon và Rodgers, trích trong Bowman, 72.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 7; Southern, 142–43; Williams, 50.
- ^ Barnes, New Empire, 57; Rees, Layers of Loyalty, 31.
- ^ Rees, Layers of Loyalty, 31; Southern, 142–43; Williams, 50. Barnes (Constantine and Eusebius, 7) dates the meeting to after the campaign against the Alamanni.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 7; Corcoran, "Before Constantine", 40; Southern, 143; Williams, 50.
- ^ a b Williams, 50–51.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 7; Bowman, 72; Williams, 51.
- ^ Southern, 143.
- ^ Panegyrici Latini 8(5)12.2; Barnes, Constantine and Eusebius, 7, 288; Bowman, 72–73; Potter, 284–85, 650; Southern, 143; Williams, 55.
- ^ Southern, 143; Williams, 55.
- ^ Codex Justinianus 9.41.9; Barnes, New Empire, 51; Potter, 285, 650.
- ^ Codex Justinianus 6.30.6; Barnes, New Empire, 52; Potter, 285, 650.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 8; Potter, 285.
- ^ Panegyrici Latini 11(3)10, quoted in Williams, 57.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 8; Potter, 285, 288; Rees, Layers of Loyalty, 69.
- ^ a b Barnes, Constantine and Eusebius, 8–9; Barnes, New Empire, 4, 38; Potter, 288; Southern, 146; Williams, 64–65.
- ^ Potter, 285.
- ^ Williams, 55–56, 62.
- ^ Williams, 62–64.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 8–9; Barnes, New Empire, 4, 36–37; Potter, 288; Southern, 146; Williams, 64–65.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 8, 15; Williams, 71.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 15; Potter, 288; Rees, Layers of Loyalty, 99; Southern, 149–50; Williams, 71–72.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 15–16; Barnes, New Empire, 255.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 15–16; Southern, 150.
- ^ Barnes, New Empire, 58–59.
- ^ Barnes, New Empire, 59; Southern, 150; Williams, 73.
- ^ Southern, 150; Williams, 73–74; Barnes, Constantine and Eusebius, 16.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 16; Southern, 150; Williams, 75.
- ^ a b Barnes, New Empire, 59; Williams, 75.
- ^ a b Barnes, Constantine and Eusebius, 16.
- ^ Williams, 75.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 16; Barnes, New Empire, 59.
- ^ a b Odahl, 58; Williams, 75.
- ^ Barnes, New Empire, 59; Odahl, 58; Williams, 75.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 16; Barnes, New Empire, 59; Odahl, 58.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 16; Barnes, New Empire, 56.
- ^ Lactantius, DMP 8.4; Barnes, Constantine and Eusebius, 16.
- ^ Panegyrici Latini 7(6)15.16; Lactantius DMP 20.4; Potter, 340; Southern, 152, 336.
- ^ Potter, 340.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 25–27; Williams, 191.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 25–27; Potter, 341–42.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 27; Southern, 152.
- ^ Southern, 152.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 27–28; Barnes, New Empire, 5; Lenski, 61–62; Odahl, 78–79.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 30–32.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 30–31; Elliott, 41–42; Lenski, 62–63; Odahl, 86–87; Potter, 348–49.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 31; Lenski, 64; Odahl, 87–88; Pohlsander, Emperor Constantine, 15–16.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 32; Lenski, 64; Odahl, 89, 93.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 32–34; Elliott, 42–43; Lenski, 65; Odahl, 90–91; Pohlsander, Emperor Constantine, 17; Potter, 349–50; Treadgold, 29.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 32.
- ^ Cary and Scullard, A History of Rome, tr. 522
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 34–35; Elliott, 43; Lenski, 65–66; Odahl, 93; Pohlsander, Emperor Constantine, 17; Potter, 352.
- ^ Elliott, 43; Lenski, 68; Pohlsander, Emperor Constantine, 20.
- ^ Barnes, New Empire, 34; Elliott, 45; Lenski, 68.
- ^ Lactantius, DMP 30.1; Barnes, Constantine and Eusebius, 40–41, 305.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 41; Lenski, 68.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 42–44.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 47; Barnes, New Empire, 35.
- ^ Barnes, Constantine and Eusebius, 47.
- ^ Barnes, New Empire, 265–66.
- Tài liệu tham khảo
- Barnes, Timothy D. Constantine and Eusebius. Cambridge, MA: Harvard University Press, 1981. ISBN 978-0-674-16531-1
- Barnes, Timothy D. The New Empire of Diocletian and Constantine. Cambridge, MA: Harvard University Press, 1982. ISBN 0-7837-2221-4
- Bowman, Alan K. "Diocletian and the First Tetrarchy." In The Cambridge Ancient History, Volume XII: The Crisis of Empire, edited by Alan Bowman, Averil Cameron, and Peter Garnsey, 67–89. Cambridge University Press, 2005. ISBN 0-521-30199-8
- Cary, M. and Scullard, H.H. A History of Rome. MacMillan Press, 1974. ISBN 0-333-27830-5
- Corcoran, Simon. The Empire of the Tetrarchs: Imperial Pronouncements and Government, AD 284–324. Oxford: Clarendon Press, 1996. ISBN 0-19-815304-X
- Corcoran, Simon. "Before Constantine." In The Cambridge Companion to the Age of Constantine, edited by Noel Lenski, 35–58. New York: Cambridge University Press, 2006. Hardcover ISBN 0-521-81838-9 Paperback ISBN 0-521-52157-2
- DiMaio, Jr., Michael. "Constantius I Chlorus (305–306 A.D.)." De Imperatoribus Romanis (1996a).
- DiMaio, Jr., Michael. "Galerius (305–311 A.D.)." De Imperatoribus Romanis (1996b).
- DiMaio, Jr., Michael. "Maximianus Herculius (286–305 A.D)." De Imperatoribus Romanis (1997a).
- DiMaio, Jr., Michael. "Maxentius (306–312 A.D.)." De Imperatoribus Romanis (1997b).
- Elliott, T. G. The Christianity of Constantine the Great. Scranton, PA: University of Scranton Press, 1996. ISBN 0-940866-59-5
- Lenski, Noel. "The Reign of Constantine." In The Cambridge Companion to the Age of Constantine, edited by Noel Lenski, 59–90. New York: Cambridge University Press, 2006. Hardcover ISBN 0-521-81838-9 Paperback ISBN 0-521-52157-2
- Liebeschuetz, J. H. W. G. Continuity and Change in Roman Religion. Oxford: Oxford University Press, 1979. ISBN 0-19-814822-4.
- Mackay, Christopher S. "Lactantius and the Succession to Diocletian." Classical Philology 94:2 (1999): 198–209.
- Mathisen, Ralph W. "Diocletian (284–305 A.D.)." De Imperatoribus Romanis (1997).
- Nixon, C.E.V., and Barbara Saylor Rodgers. In Praise of Later Roman Emperors: The Panegyrici Latini. Berkeley: University of California Press, 1994. ISBN 0-520-08326-1
- Odahl, Charles Matson. Constantine and the Christian Empire. New York: Routledge, 2004. Hardcover ISBN 0-415-17485-6 Paperback ISBN 0-415-38655-1
- Pohlsander, Hans. The Emperor Constantine. London & New York: Routledge, 2004a. Hardcover ISBN 0-415-31937-4 Paperback ISBN 0-415-31938-2
- Pohlsander, Hans. "Constantine I (306 – 337 A.D.)." De Imperatoribus Romanis (2004b). Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2007.
- Potter, David S. The Roman Empire at Bay: AD 180–395. New York: Routledge, 2005. Hardcover ISBN 0-415-10057-7 Paperback ISBN 0-415-10058-5
- Rees, Roger. Layers of Loyalty in Latin Panegyric: AD 289–307. New York: Oxford University Press, 2002. ISBN 0-19-924918-0
- Rees, Roger. Diocletian and the Tetrarchy. Edinburgh: Edinburgh University Press, 2004. ISBN 0-7486-1661-6
- Southern, Pat. The Roman Empire from Severus to Constantine. New York: Routledge, 2001. ISBN 0-415-23944-3
- Williams, Stephen. Diocletian and the Roman Recovery. New York: Routledge, 1997. ISBN 0-415-91827-8
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Sơ lược về Maximianus
- . Catholic Encyclopedia. New York: Robert Appleton Company. 1913.
- Maximian tại Encyclopædia Britannica (tiếng Anh)