Bước tới nội dung

Hiệp định Élysée (1949)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Hiệp định Élysée[1] (tiếng Pháp: Accords de l'Elysée) là một văn kiện được ký kết ngày 8 tháng 3 năm 1949 giữa Bảo ĐạiTổng thống Pháp, theo đó công nhận chính phủ Quốc gia Việt Nam là một thành viên độc lập một phần nằm trong Liên hiệp Pháp, và Bảo Đại là quốc trưởng của chính phủ này[2].

Phản ứng trước việc này, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố bản hiệp định này là bất hợp pháp (chính phủ Pháp không có tư cách pháp lý đối với đất nước Việt Nam, Bảo Đại đã thoái vị nên cũng chỉ còn là một công dân bình thường, không có tư cách đại diện cho nước Việt Nam). Đây chỉ là một chiêu bài của thực dân Pháp nhằm hợp thức hóa việc xâm lược Việt Nam[3]

Nội dung và mục đích

[sửa | sửa mã nguồn]

Hiệp ước quy định Quốc gia Việt Nam có cơ quan ngoại giao riêng, có tài chính và quân đội riêng mặc dù Hiệp ước không đem lại một nền độc lập hoàn toàn cho Việt Nam. Đặc biệt, về mặt ngoại giao, Quốc gia Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào Pháp khi người Pháp có quyền bổ nhiệm Đại diện ngoại giao của Quốc gia Việt Nam, chấp nhận hoặc không chấp nhận việc thiết lập quan hệ ngoại giao của Quốc gia Việt Nam. Chính sách đối ngoại của Quốc gia Việt Nam được xem xét và phối hợp dưới sự chỉ đạo và trách nhiệm của Chính phủ Pháp. Hoàng Đế Việt Nam sẽ liên kết hoạt động ngoại giao của mình với hoạt động ngoại giao của Liên Hiệp Pháp. Các quốc gia mà Việt Nam được đại diện bởi một cơ quan ngoại giao sẽ được quyết định với sự đồng ý của Chính phủ Pháp. Hiệp ước cũng nhằm thu hút sự ủng hộ của Mỹ đối với cuộc chiến chống lực lượng Việt Minh và khiến Mỹ chuyển từ quan điểm trung lập sang ủng hộ Quốc gia Việt Nam.

Qua hiệp ước này, Pháp đã chuyển giao những quyền và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam cho Quốc gia Việt Nam với tư cách là quốc gia thừa kế của Pháp. Với sự vận động của Pháp, Quốc gia Việt Nam đã được gia nhập nhiều tổ chức quốc tế thuộc hệ thống của Liên hiệp Quốc như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO - tháng 6.1950), Tổ chức Lương nông quốc tế (FAO - tháng 11.1950), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp Quốc (UNESCO - tháng 6.1951), … Quốc gia Việt Nam đã tham dự Hội nghị San Francisco 1951, tại đây chính thức khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và sau đó đã tiếp quản và quản lý hai quần đảo này từ tay Pháp với tư cách quốc gia thừa kế.[4].

Phần lớn các nước phương Tây, trong khi không công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi Đại sứ với Quốc gia Việt Nam. Họ coi Quốc gia Việt Nam là nhà nước đại diện cho Việt Nam.[4] Tuy nhiên, theo Điều 3 của Công ước Montevideo việc công nhận chỉ làm phát sinh quan hệ ngoại giao chứ không tạo ra một quốc gia mới.

Đánh giá

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo một phân tích pháp lý thì Hiệp định Élysée là bất hợp pháp từ cả 2 bên ký kết vì những lý do sau[5]:

  • Người Pháp không còn tư cách pháp lý quốc tế ở Việt Nam sau khi vua Bảo Đại ra Tuyên cáo tháng 3-1945, theo đó xóa bỏ những hiệp ước mà nhà Nguyễn ký với Pháp.
  • Bảo Đại cũng không còn tư cách pháp lý đại diện cho quốc gia, bởi ông đã thoái vị ngày 25-8-1945 và chỉ còn là một công dân bình thường.
  • Chính phủ đại diện cho nước Việt Nam khi đó là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mọi văn bản do công dân Việt Nam ký với bất kỳ chính phủ nào mà không được phép của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì đều vô giá trị.

Phản ứng trước hành động của Pháp và Chính phủ Quốc gia Việt Nam, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố với thế giới chỉ có Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam. Tuyên bố trên nhanh chóng nhận được sự ủng hộ khi vào ngày 18-1-1950, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và tiếp sau đó là Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa đã công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[6]

Khi trả lời điện phỏng vấn của Dân quốc Nhật báo (Trung Hoa Dân Quốc) ngày 3/4/1949, chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời câu hỏi về hiệp định Elysée như sau:

"Đối với dân Việt Nam, đó chỉ là một tờ giấy lộn. Thứ thống nhất và độc lập giả hiệu ấy chẳng lừa bịp được ai. Ngay nhân dân Pháp và dư luận thế giới cũng đã hiểu rõ và tố cáo điều đó. Lúc nào quân đội thực dân Pháp hoàn toàn rút khỏi đất nước Việt Nam, thì mới có thống nhất và độc lập."[3][7]

Theo Tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, sau này, khi trả lời phỏng vấn với Daniel Grandclément về giai đoạn làm quốc trưởng Quốc gia Việt Nam, Bảo Đại đã tự công nhận: "Tôi mới là con điếm đích thực"[5].

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Élysée Agreement (ngày 8 tháng 3 năm 1949)
  2. ^ The Struggle for Indochina, 1940 - 1955
  3. ^ a b “Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần thứ nhất, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1985, tập 5, trang 211, 212”. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2016.
  4. ^ a b CHXHCN Việt Nam có bị ràng buộc bởi công thư 1958?, thanhnien, 20.06.2014
  5. ^ a b “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 2 năm 2019. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2019.
  6. ^ http://www.baodanang.vn/channel/5434/200907/nhan-55-nam-hoi-nghi-va-hiep-dinh-geneve-20-7-1954-20-7-2009-goc-khuat-trong-hoi-nghi-va-hiep-dinh-geneve-1989493/
  7. ^ Trả lời điện phỏng vấn của Dân quốc nhật báo (1949), Tháng 3-4 nǎm 1949, Tài liệu lưu tại Lưu trữ Bộ Ngoại giao