Bước tới nội dung

Laura de Noves

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Laura de Noves
SinhLaura de Noves
1310
Mất1348 (38 tuổi)
Nổi tiếng vìNàng Thơ của Francesco Petrarca' trong Canzoniere
Tôn giáoRoman Catholic
Phối ngẫuBá tước Hugues II
Cha mẹAudibert de NovesErmessenda de Réal

Laura (tên đầy đủ: Laura de Noves, 1308 – 1348) – là người yêu dấu, Nàng Thơ của nhà thơ vĩ đại người Ý thời tiền Phục hưng Francesco Petrarca. Cuốn Canzoniere viết về cuộc đời và cái chết của người đẹp Laura được coi là đỉnh cao của thơ ca Ý cũng như châu Âu.

Lịch sử tình yêu của Petrarca đối với Laura

[sửa | sửa mã nguồn]

Người đời biết đến tình yêu này qua chính những sáng tác của Petrarca. Hai người lần đầu tiên nhìn thấy nhau vào ngày thứ sáu, mồng 6 tháng 4 năm 1327 trong ngày lễ Phục sinh ở nhà thờ Avignon. Khi đó Petrarca 23 tuổi còn Laura thì đã lấy chồng được 2 năm. Kể từ đây Petrarca bắt đầu đi làm thơ ca ngợi vẻ đẹp thánh thiện của nàng. Laura mất năm 1348, năm đó nàng 38 tuổi.

Có một câu hỏi mà các nhà nghiên cứu xưa nay và có lẽ không bao giờ tìm được câu trả lời chính xác là Laura có phải là nhân vật có thực hay chỉ là người tình trong mộng của Petrarca? Trong tất cả thư từ hay những tác phẩm văn xuôi Petrarca không hề nhắc đến tên Laura. Trong rất nhiều trường hợp tên nàng được dùng trong cụm từ cùng với vàng, nguyệt quế, không khí: l’aureo crine – tóc vàng, lauro – nguyệt quế, l’aura soave – gió thoảng, thậm chí với cả thời gian (l’ora). Petrarca từng viết rằng ông có hai điều khát khao – lauralauro (nghĩa là tình yêu và sự vinh quang).

Laura de Noves và dòng họ de Sade

[sửa | sửa mã nguồn]

Mặc dù vấn đề Laura có phải là nhân vật có thực hay không chưa có câu trả lời chính xác, rất nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đấy chính là Laura của dòng họ de Noves. Laura de Noves là con gái của Audibert de NovesErmessenda de Réal. Năm lên 16 tuổi Laura lấy chồng là Bá tước Hugues II de Sade, tổ tiên của Hầu tước de Sade. Hai người có với nhau 11 đứa con. Đó là: Paul, Audebert, Hugues III, Pierre, Jacques, Joannet, Philippe, Augière, Ermessende, Marguerite, Garsende. Hầu tước de Sade được coi là cháu của Huges III.

Laura trong thơ của Petrarca

[sửa | sửa mã nguồn]
Laura, Nàng Thơ của Petrarca

Quyển sách những bài ca (Canzoniere) của Petrarca gồm 2 phần:

  • Về cuộc đời của người đẹp Laura (Rime in vita Laura) gồm 263 bài sonetto
  • Về cái chết của người đẹp Laura (Rime in morte Laura) gồm 103 bài sonetto và thơ thể loại khác.

Tác phẩm Canzoniere có sự ảnh hưởng hết sức to lớn đối với việc phát triển của ngôn ngữ văn học Ý và thơ ca của cả châu Âu nói chung. Thể loại thơ mà Petrarca sáng tác có tên gọi là thơ sonetto của Petrarca, phân biệt với sonnê khác, ví dụ như sonnet của William Shakespeare hay Edmund SpenserAnh sau này.

  • Trong số 366 bài của Canzoniere mới chỉ có 11 bài được dịch ra tiếng Việt cho đến thời điểm hiện tại.

Sự ảnh hưởng

[sửa | sửa mã nguồn]
  • André Maurois khẳng định rằng Lord Byron đã nói: "Liệu bạn có nghĩ rằng, giá như Laura trở thành vợ của Petrarca thì chẳng lẽ ông lại suốt đời đi làm thơ ca ngợi nàng chăng?"
  • Nhà sử học, nhà thơ Nga Nicolay Karamzin cũng có ý kiến tương tự: "Tình yêu không chịu đựng sự ép buộc, một từ thôi – và tất cả niềm khoái lạc sẽ biến mất! Làm sao mà Petrarca có thể yêu được Laura đầy nhiệt huyết như vậy nếu họ đi đến hôn nhân? Sự tưởng tượng sẽ không thể tinh tế như trong những bài sonetto mà tôi vẫn khâm phục".
  • Còn nhà thơ Igor Guberman cũng viết:
Quả là Byron nói đúng
Đời cần như một món quà
May mà xưa nàng Laura
Đã không kết hôn cùng Petrarch...
  • Nhà văn Ivan Bunin (giải Nobel Văn học 1933) lấy cảm hứng từ câu chuyện tình của Petrarca và Laura để viết truyện: Người đẹp nhất của mặt trời (Прекраснейшая солнца).

Một số bài sonetto đã dịch ra tiếng Việt

[sửa | sửa mã nguồn]
Sonetto 051
Ta cảm ơn ngày tháng, phút giây
Và khoảnh khắc, khi ánh nhìn ta gặp
Ta trở thành kẻ tù binh của mắt
Ta cảm ơn thành phố của ta đây.
 
Ta cảm ơn nỗi đau, lần đầu tiên
Ta cảm nhận mà không hề nhìn thấy
Rằng mũi tên tình yêu sâu đến vậy
Đức Chúa Trời đã cắm nó vào tim!
 
Và thổn thức, nức nở, ta cảm ơn
Trong giấc mơ rừng sồi ta nghe thấy
Thức dậy trong lòng ta một cái tên!
 
Ta cảm ơn những bài thơ của mình
Đã hát lên ngợi ca con người ấy
Ý nghĩ về nàng kết lại quang vinh.
 
Sonetto 062
Ngày lại ngày nối đuôi nhau thơ thẩn
Đêm mơ về người con gái ta yêu
Tại vì người ta chịu đựng đã nhiều
Những đường nét tuyệt vời ta say đắm.
 
Ta cầu Chúa bằng việc làm xứng đáng
Suy sụp của ta xin được đền bù
Và ta vây bắt loài quỷ sứ kia
Bằng lưới bện từ trong hang ổ chúng.
 
Năm thứ mười một bây giờ đang đến
Kể từ khi ta chịu cảnh tù đày
Sự nghiệt ngã được đóng bằng dấu triện.
 
Xin tha thứ cho kẻ không xứng đáng
Hãy nhắc ta nhớ ý nghĩ của mình
Như trong ngày Đức Chúa bị đóng đinh.
 
Sonetto 065
Bị tấn công tôi không hề chuẩn bị
Không biết rằng sẽ chịu cảnh tù đày
Rằng Thần Tình yêu – quyền lực tối cao
Có thêm tôi, thêm một người nô lệ.
 
Tôi không tin Thần Tình yêu như thế
Rằng con tim tôi đến nỗi yếu mềm
Để mất hết rồi cảm xúc đầu tiên
Ôi! Lòng tự tin sao mà nghiệt ngã.
 
Chỉ một điều tôi năn nỉ xin Thần
Dù một chút lòng thương, xin hãy giữ
Trước lời cầu, Thần có vẻ bao dung
 
Ô không, không phải để trong tim
Tắt lửa tình, mà xin đem chia sẻ
Đem cho nàng một nửa khối tình chung.
 
Sonetto 132
Cơn sốt này không phải tình yêu sao
Ta bị rét? Chính vì tình yêu đó
Tình tốt đẹp? Nhưng trời ơi đau khổ
Ngọn lửa ác?… Những đau khổ ngọt ngào.
 
Biết trách ai, ta tự bước chân vào
Vòng quyến rũ, thở than cho phí uổng
Trong đời: cái chết và tình yêu thật giống
Thật giống nhau khát vọng với nỗi đau.
 
Ta cầu cứu hay đành chịu nhận về
Quyền lực khác?... Lý trí ta lầm lẫn
Ta – con thuyền nhỏ trên bồng bềnh con sóng.
 
Không người lái, mạn đuôi thuyền trống rỗng
Ta dùng dằng – chẳng biết muốn điều chi
Trời rét – cháy lên, ta run – khi trời nóng.
Sonetto 248
Không hình dung nổi Thiên nhiên hậu hĩnh
Và trời xanh, nếu mắt chẳng thấy Người
Kẻ đối với ta đã hoá mặt trời
Mọi tinh cầu giữa trời xanh che kín.
 
Đừng trì hoãn khi người ta đi đến
Lấy những gì tốt đẹp, bỏ xấu xa
Và cái chết sẽ vun vút mang đi
Sau cái chết là tự do lựa chọn.
 
Đừng chậm trễ – và ngươi qua ánh mắt
Trong một niềm sáng tạo sẽ cùng ta
Mọi phẩm hạnh và muôn vàn vẻ đẹp.
 
Và nói rằng thơ của ta đã tắt
Rằng lý trí ta bất hạnh mù loà
Ai không kịp, sẽ rót đầy nước mắt.
 
Sonetto 249
Tôi nhớ lại một ngày – và thờ thẫn
Lại thấy ánh nhìn tiễn biệt đau thương
Của người đẹp – và tuyệt vọng bao trùm
Tôi sung sướng được quên, nhưng mà chẳng.
 
Hình dáng buồn với hồn tôi kết đọng
Ánh mắt kia thánh thiện đến muôn đời
Cảm thấy rằng người kinh tởm trò vui
Vây quanh người có một điều lo lắng.
 
Vẻ linh hoạt biến mất, và dấu vết
Màu áo quần tái nhợt và buồn đau
Màu sắc bài ca quên lãng từ lâu.
 
Tôi lo lắng trong lòng – và nhớ hết
Những giấc mơ, những linh cảm buồn thương
Tôi cầu Trời, nuôi những ý tưởng nhầm.
 
Sonetto 250
Vẻ thần tiên từ lâu trong xa ngái
An ủi tôi trong giấc mộng mà thôi
Người đẹp ơi, ân huệ ở đâu rồi?
Trong hồn tôi buồn đau và sợ hãi.
 
Thường xuyên hơn nỗi đau, lòng thương cảm
Tôi hình dung trên gương mặt của em
Tôi nghe theo, có vẻ thường xuyên hơn
Trong ngực này hi vọng không sưởi ấm.
 
"Cái buổi chiều, anh còn nhớ, chưa quên –
Người yêu dấu nói với tôi – khi đó
Em vội đi có làm anh phật ý?
 
Nhưng bấy giờ không thể nói cùng anh
Và em không muốn rằng anh lần cuối
Trong cõi đời chiều ấy nhận ra em".
 
Sonetto 299
Đâu gương mặt sáng ngời, đâu ánh mắt
Tôi đi theo, trái với ý của mình
Chỉ lối tôi đi cái ánh mắt nhìn
Hai ngôi sao dẫn đường như châu ngọc?
 
Đâu trí tuệ, tiết trinh, đâu kiến thức
Đâu lời nói dịu êm, lời nói ngọt ngào?
Đâu sắc đẹp thần tiên, hình bóng từ lâu
Ta theo đuổi, say mê, giờ chợt mất?
 
Đâu nét dịu dàng của vầng trán cao
Trong cơn nóng cho ta hơi thở mát
Cho ý nghĩ thanh cao, ước mơ dịu ngọt?
 
Người dẫn dắt số phận ta giờ đâu?
Đời lầm than đã mất niềm hạnh phúc
Mắt ta u sầu, mù đi vì nước mắt.
Bản dịch của Hồ Thượng Tuy

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]