Bước tới nội dung

Magach

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ MGH (xe tăng))
Magach
Xe tăng MGH 7C.
LoạiXe tăng chiến đấu chủ lực
Nơi chế tạo Hoa Kỳ
 Israel
Lược sử hoạt động
Phục vụThập niên 1960–nay
Sử dụng bởiLực lượng phòng vệ Israel
Lược sử chế tạo
Người thiết kếIsrael Military Industries
Số lượng chế tạo170
Thông số
Khối lượng55 tấn
Chiều dài6.95m
Chiều rộng3.63m
Chiều cao3.27m
Kíp chiến đấu4

Phương tiện bọc thépThép cán, giáp phản ứng nổ
Vũ khí
chính
Pháo Royal Ordnance L7 105 ly
Vũ khí
phụ
Súng máy đồng trục 7,62 ly M240
Súng máy 7,62 ly MG3A1
Súng máy 12,7 ly M85
súng cối 60 ly
Động cơđộng cơ diesel General Dynamics Land Systems Division AVDS 1790-5A
908 hp (677 kW)
Công suất/trọng lượng16,95 mã lực/tấn
Hệ truyền độngAllison CD850-6BX
Hệ thống treoĐộc lập, đòn kéo hệ thống treo
Tầm hoạt động500 km (310 mi)
Tốc độ60 km/h (37 mph)

Magach (tiếng Hebrew: מגח‎,phiên âm La Tinh: MGH) là một loại xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) của Israel. Đây thực ra là tên của các phiên bản nâng cấp và cải tiến của M48 Patton (Magach 1,2,3,5) và M60 Patton (Magach 6,7) hoạt động trong Lực lượng phòng vệ Israel (IDF). Từ thập niên 1980 và 1990, Magach dần được thay thế bởi xe tăng Merkava với vai trò là xe tăng chiến đấu chủ lực trên tuyến đầu. Tuy nhiên phần nhiều các đơn vị tăng thiết giáp của Israel vẫn trang bị các xe tăng Magach và loại tăng này vẫn tiếp tục được nâng cấp cho đến cuối thập niên 1990. Magach vẫn được trang bị với vai trò là lực lượng dự bị[1]. Từ năm 2006 trở đi, Merkava đã hoàn toàn thay thế Magach trong các đơn vị quân đội thường trực.[2]

Nguồn gốc tên gọi

[sửa | sửa mã nguồn]
MGH 6M
MGH 7

Chuyển tự La Tinh của tên Do Thái là MGH, tuy nhiên đây không phải là một cụm từ viết tắt mà là một từ trong tiếng Hebrew có nghĩa là "nện"[3], mặc dù từ này ít khi được sử dụng và ít được biết ngay cả với người biết tiếng Hebrew.

Một số giả thuyết khác của cái tên MGH hay Magach là:

  • Viết tắt của Merkevet Giborei Hayil (tiếng Hebrew: מרכבת גיבורי חיל‎) có nghĩa là "Chiến xa của các anh hùng".
  • Một cách gọi khác của cái tên M48A3 viết theo hệ thống Gematria, với 40 là chữ "mem" (מ, "m"), 8 là "chet" (ג, "ch") và 3 là "gimel" (ח, "g")). Ý kiến khác cho rằng chữ "G" là viết tắt của "Germany", có nghĩa là nước Đức, quốc gia cung cấp những chiếc M48 đầu tiên cho Israel. Một ý kiến cho rằng nếu thay thế các số trong tên M48A3 theo hệ thống Gematria (4 trở thành A, 8 trở thành G, vv) thì trở thành MAgAch.
  • Trong quân đội Israel, người ta hay đùa là MGH là viết tắt của "Movil Gviyot Charukhot", nghĩa là "xe chở xác người bị cháy đen", hàm ý mỉa mai thiệt hại nặng nề của M48 trong chiến tranh Yom Kippur và loại dung dịch thủy lực dễ cháy mà xe này sử dụng.[4]
  • MGH cũng có thể là viết tắt của "Meshupa Gahon" (bụng dốc) hay "Mechonat Giluach Hashmalit" (máy cạo râu chạy điện).

Lịch sử hoạt động

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyên mẫu của các phiên bản MGH là xe tăng M48 và M60 được Tây Đức và sau đó là Hoa Kỳ bán cho Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) trong các thập niên 1960 và 70. Sau cuộc Chiến tranh Sáu Ngày (1967), Israel còn bắt dược vài chục xe tăng M48 của Jordan và bổ sung nó vào biên chế (lúc đó đã có khoảng 150 xe tăng M48). Trong thời gian này, các xe tăng M48 và M60 của Israel vẫn là dạng nguyên mẫu giống như trong quân đội Hoa Kỳ.

Việc cải tiến và hiện đại hóa M48A3 được Israel tiến hành sau cuộc chiến tranh Sáu Ngày, kết quả là phiên bản MGH 3 ra đời. Phiên bản này bao hàm việc thay khẩu pháo tăng 90 ly nguyên thủy bằng khẩu Royal Ordnance L7 105 ly của Anh sản xuất theo giấy phép, kiểu khoá nòng trượt theo chiều dọc, tháp chỉ huy Urdan, tăng thêm diện tích chứa hàng ở bên ngoài, nâng cấp hệ thống liên lạc, thay động cơ xăng (vốn yếu và dễ cháy) bằng một động cơ diesel 750 mã lực.

Các xe tăng M48A3 (sử dụng pháo 105 ly) và M60A1 của Israel đã chịu những thiệt hại rất nặng nề trong cuộc Chiến tranh Yom Kippur, đầu chiến tranh họ có 540 xe nhưng đến hết cuộc chiến họ chỉ còn khoảng 200 xe, phần lớn chúng bị bắn cháy bởi tên lửa 9K11 Malyutka của các binh sĩ Ai Cập nấp trong các hầm hào tại mặt trận Sinai. Trong cuộc chiến năm 1973 đã chỉ ra một lỗ hỏng trong thiết kế của M48 và M60, đó là ngay phía trước, ở dưới bệ nâng pháo và bệ quay tháp pháo, nơi mà tập trung hệ thống thủy lực áp suất cao, nếu tháp pháo bị xuyên thủng, hệ thống thủy lực bị thường gãy và phun vào kíp chiến đấu một chất lỏng dễ gây cháy. Trong thực tế, tháp pháo điện của Centurion quay chậm hơn nhưng an toàn hơn so với hệ thống quay thủy lực với chất lỏng dễ gây cháy trong tháp pháo MGH. Các xe tăng bị mất trong chiến tranh đã dần dần được thay thế bởi các phiên bản MGH 5 (M48A5) và MGH 6 (M60) trong thập niên 1970.[5][6]

Trước khi cuộc Chiến tranh Liban 1982 xảy ra, MGH 6 đã được lắp đặt thêm giáp phản ứng nổ (Explosive Reactive Armour/ ERA) Blazer. Những chiếc Magach trang bị giáp phản ứng nổ Blazer có tên là MGH 6B. Tất cả các xe tăng chiến đấu chủ lực MGH của Israel được nâng cấp sâu, ốp lót nhiệt cho pháo chính, lắp súng cối 60mm và súng máy phụ trợ trên tháp pháo, tăng cường vỏ giáp thế hệ mới, hệ thống bánh xích thiết kế dựa trên xe tăng Merkava, hệ thống điều khiển hỏa lực mới, ống xả khói mù.

Đến năm 1985, mắc dù tất cả các xe tăng MGH được nâng cấp nhưng vẫn trở nên lỗi thời trước các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực khác của đối phương. Đặc biệt chính là sự rắc rối trong việc khả năng phòng vệ của xe tăng, tháp pháo là điểm yếu chính nếu như xảy ra cuộc chạm trán giữa 2 xe tăng với nhau. Phần dày nhất của tháp pháo M60 là 254mm giáp đồng nhất (RHA/ Rolled Homogeneous Armour), những phần còn lại giáp mỏng hơn rất nhiều. Mức bảo vệ này là không đủ để chống lại các loại đạn xuyên giáp kiểu mới. Từ cuối những năm 1960, đạn xuyên động năng (KE/ Kinetic Energy) APDS cỡ 105mm đã có thể xuyên 350mm giáp đồng nhất, đến năm 1990, đạn thanh xuyên động năng có guốc ốp nòng (APFSDS/ Armour-Piercing Fin Stabilized Discarding Sabot) cỡ 105mm có thể xuyên đến 500mm giáp đồng nhất. 

Giáp phản ứng nổ Blazer năng khoảng 800–1000 kg, có thể giúp xe tăng có được sự bảo vệ chống loại đạn xuyên lõm chống tăng tương đương 10 tấn thép thông thường. Nhưng mặc dù được Blazer bảo vệ, nó vẫn không đủ sức để chống lại các đạn xuyên động năng. Nếu trang bị thêm giáp đồng nhất thì nó sẽ tăng trọng lượng vượt mức cho phép. Vì thế vật liệu thụ động đã được yêu cầu, nhẹ hơn giáp đồng nhất, nhưng có thể giúp xe tăng chống lại đạn xuyên lõm chống tăng lẫn đạn thanh xuyên động năng. Lực lượng Phòng vệ Israel quyết định mượn vật liệu bảo vệ đường đạn từ dự án đang phát triển Merkava để nâng cấp các xe tăng MGH. Kết quả là phiên bản MGH 7 ra đời.[7]

MGH được nâng cấp theo từng lô nhỏ. Điều này xảy ra là do chi phí cũng như nâng cấp theo từng lô nhỏ sẽ dễ kiểm soát hơn, chất lượng tốt hơn. Giáp thụ động giá thành quá cao nên không phải tất cả MGH đều được trang bị. Do đó  các dòng MGH cũ vẫn phục vụ song song với các dòng MGH mới. Vào tháng 11 năm 1997, 2 chiếc MGH 6B trang bị giáp Blazer đã bị hạ gục bởi các tên lửa chống tăng bắn từ phiến quân Hezbollah, khác với năm 1982, khi mà RPG và tên lửa chống tăng không thể xuyên qua Blazer, đây chính là ngày mà giáp phản ứng nổ bị hạ gục. Trong trận ấy, một lính nạp đạn thiệt mạng và 5 người khác bị thương. Sau trận đó, người ta nhận ra rằng giáp Blazer không thể chống lại đạn thanh xuyên động năng và đạn nổ lõm chống tăng thế hệ mới, như kiểu đầu đạn được lắp trên tên lửa chống tăng Spigot. Năm 1999, Lực lượng Phòng vệ Israel đã đưa ra một yêu cầu về kiểu giáp rẻ hơn nhưng hiệu quả hơn Blazer dùng cho nâng cấp dòng MGH 6B, bên IMI đã phản ứng rất nhanh với yêu cẩu đó, chỉ mất có 10 tuần từ khi thành lập ý tưởng đến khi sản xuất. Và gói nâng cấp ấy được gọi là MGH 6B Gal Batash (Batash là tên viết tắt tiếng Hebrew của từ Bitachon Shotef, nghĩa là "Bảo vệ toàn diện").

Khả năng bảo vệ

[sửa | sửa mã nguồn]

MGH 7A và MGH 7C đều trang bị giáp thụ động có khả năng chống lại đạn thanh xuyên động năng lẫn đạn nổ lõm chống tăng. Công nghệ chế tạo loại giáp thụ động này vẫn là tuyệt mật. MGH 7A trang bị vào những năm đầu thập kỷ 1990 và MGH 7C trang bị vào giữa thập kỷ 1990. Cả hai dòng MGH 7A và MGH 7C trang bị thêm các lớp giáp phụ ở tháp pháo và phía trước thân xe. Tầm chắn 2 bên thân cũng được lắp đặt với sự kếp hợp giữa 2 tấm giáp thụ động và các tấm thép.

MGH 7A có cạnh phẳng được tán đinh, trang bị giáp module. Trong khi đó, giáp thụ động module trang bị cho MGH 7C được IMI sản xuất có tên mã là Envelope,  có góc cạnh đường đạn tốt hơn, tuy nhiên tháp pháo hình mũi tên khiến cho lái xe khó có thể thoát li nhanh ra ngoài nếu trong xe bị cháy. Bên phía IMI chắc chắn rằng cho dù tháp pháo có hình dạng gì, lái xe vẫn có thể thoát li dễ dàng.

MGH 6B Gal Batash có giáp kết hợp giữa giáp phản ứng nổ và giáp thụ động. Một công ty đại diện cấp cao đã đề cập đến nó như là được thiết kế đặc biệt cho các hoạt động LIC (Low Intensity Conflict/ Giao Tranh Ở Cường Độ Thấp). Kiểu giáp kết hợp này giúp xe tăng tăng khả năng sống sót hơn trước những cuộc tấn công mạnh bằng những tên lửa chống tăng. Phần trước tháp pháo trang bị giáp phản ứng nổ thế hệ 2 Super Blazer. Tấm giáp chắn 2 bên thân tương tự MGH 7.

Các dòng MGH đang phục vụ đã và đang hệ thống hoá với hệ thống cảnh báo laser Moked (Focus/ Tiêu điểm), với nhiệm vụ cảnh báo kíp chiến đấu xe tăng đang bị đánh dấu bởi hệ thống chiếu laser. Ngoài ra MGH còn trang bị thêm hệ thống chữa cháy tự động Spectronix do Israel sản xuất.[8]  

Hỏa lực

[sửa | sửa mã nguồn]

MGH vẫn giữ lại pháo chính nòng xoắn 105mm với nâng cấp hệ thống hoả lực. Cơ cấu xoay tháp pháo bằng thủy lực để bù đắp cho việc tăng trọng lượng thêm từ các tấm gíáp.

Một số xe tăng chiến đấu chủ lực MGH 6B được gắn hệ thống điều khiển hoả lực Gal (Wave), trên thị trường vũ khí quốc tế, nó được sản xuất bởi Elbit/ EL-OP với tên gọi là Matador. Những xe tăng chiến đấu chủ lực MGH 6B gắn hệ thống điều khiển hoả lực Gal được đặt tên là Magach 6B Gal. Hệ thống này cũng lắp trên các xe tăng chiến đấu chủ lực MGH 7. Hệ thống đo xa quang học được thay thế bằng hệ thống đo xa laser trong khi xạ thủ có kính ngắm ban ngày lẫn ban đêm. Lắp thêm máy tính đường đạn mới và hệ thống cảm biến khí tượng cho xe tăng. Israel tự chế tạo một ốp lót cách nhiệt cho nòng pháo giúp hỗ tợ pháo băn ổn định hơn. Để tăng khả năng khai hoả chính xác, kính ngắm của xạ thủ và bệ đặt súng được lắp thiết bị ổn hướng độc lập. Trưởng xa có kính ngắm lắp trên phần giáp hình bán cầu bên phải tháp pháo. Nó sử dụng một phần hệ thống đo xa quang học cũ.

Mặc dù các loại đạn sử dụng trên Magach là tuyệt mật nhưng Israel luôn có tiếng tốt về việc chế tạo đạn cho xe tăng, điển hình là đạn xuyên động năng có guốc ốp nòng vạch đường M413 (APFSDS-T/ Armour Piercing Fin Stabilized Discarding Sabot-Tracer), được tin tưởng rằng có khả năng xuyên giáp cực tốt.

MGH còn được trang bị cối 60mm đặt trên mái của tháp pháo để tiêu diệt bộ binh.[8]

Khả năng cơ động

[sửa | sửa mã nguồn]

Trọng lượng cơ bản của M60 là 49.7 tấn, MGH 7 sau khi nâng cấp với các tấm giáp bổ sung thì nặng khoảng 54-55 tấn.  Trọng lượng này đã tăng thêm rất nhiều cho dù xích của MGH đã được thay thế bằng bộ xích guốc thép bền hơn, nhẹ hơn, thừa hưởng từ xích của Merkava, chỉ nặng có 1.7 tấn. Vì trọng lượng tăng nhiều như vậy nên việc tăng khả năng cơ động rất được chú trọng. Động cơ gốc công suất 750 mã lực đã được thay thế bằng động cơ diesel General Dynamics Land Systems Division AVDS 1790-5A công suất 908 mã lực cùng với bộ truyền động của Merkava Mk I. ngoài ra công ty Kinetics cũng đã đưa ra vài gói nâng cấp cho các bộ bánh di chuyển. Lắp bộ giảm xóc mới và bộ giảm chấn thủy lực cho bánh lăn số 1, 2, 5 và 6. Lắp thanh xoắn độ bền cao têu chuẩn. Sự kết hợp này đã nâng bánh lăn từ 180-200mm. Phân tán trọng lượng  rất ấn tượng, 355%.

Trong kiểm nghiệm thực tế, MGH 7A và MGH 7C có khả năng vượt địa hình tốt và tăng tốc vượt trôi hơn so với M60. Cải thiện vật chất cho kíp chiến đấu, giảm rung lắc cho khung thân, khả năng khai hoả chính xác cũng được cải thiện.

Đối với MGH 6B Gal Batash, vì trọng lượng không tăng nhiều, bộ xích đã được thay bằng bộ xích tiêu chuẩn của Merkava Mk I nên trọng lương không tăng đáng kể, vì thế việc thay bộ động cơ là hoàn toàn không cần thiết.[8]

Các phiên bản

[sửa | sửa mã nguồn]
MGH 6B tại bảo tàng Yad la-Shiryon, Latrun.
MGH 7C tại bảo tàng Yad la-Shiryon, Latrun.
  • MGH 1: M48A1.[3]
  • MGH 2: M48A2C.[3]
  • MGH 3: Phiên bản hiện đại hóa của M48A1/A2C/A3, tích hợp pháo tăng L7 105 ly của Anh, tháp chỉ huy thấp, nâng cấp hệ thống liên lạc, thay thế động cơ xăng bằng động cơ diesel Continental AVDS-1790-2A 750 mã lực và bộ truyền động CD-850-6. Về sau có thêm giáp phản ứng nổ Blazer.
  • MGH 5: M48A5 cấu hình nguyên bản. Gần giống MGH 3, nhưng sử dụng động cơ AVDS-1790-2D và bộ truyền động CD-850-6A. Cũng sử dụng giáp phản ứng nổ Blazer.
    • MGH 5 Spike : MGH 5 được lắp đặt container 12 tên lửa chống tăng có điều khiển NLOS Spike ở phía sau tháp pháo, trên xe tăng cũng lắp đặt hệ thống điều khiển tên lửa có thể tháo gỡ được. MGH 5 Spike vẫn giữ nguyên vai trò tấn công của một chiếc xe tăng. Khi cần khai hỏa bằng tên lửa, xe sẽ quay phần sau của bệ tháp pháo về phía mục tiêu, mở nắp khoang chứa bệ phóng tên lửa và tiến hành khai hỏa. Sau khi khai hỏa xong bằng tên lửa, các bệ phóng bên trong sẽ được bảo vệ bằng cách thu vào trong tháp pháo và đóng cửa bọc giáp. MGH 5 Spike có thể tấn công các mục tiêu từ cự li xa tới 25 km. Hiện nay, MGH 5 Spike chỉ được sản xuất với số lượng rất hạn chế.
  • MGH 6: Phiên bản hiện đại hóa của M60/M60A1/M60A3. Sử dụng vòm tháp pháo thấp Urdan và giáp phản ứng nổ Blazer.
    • MGH 6A (6 Alef): M60A1 hiện đại hóa. Về sau tất cả chúng đều dần được nâng cấp lên chuẩn 6B.
    • MGH 6B (6 Bet): M60A1 hiện đại hóa với động cơ AVDS-1790-2C RISE (Reliability Improved Selected Equipment).
    • MGH 6B Gal (6 Bet Gal): MGH 6B với hệ thống điều khiển bắn Gal.
    • MGH 6B Gal Batash (6 Bet Gal Batash): MGH 6B Gal sử dụng vỏ giáp thế hệ 4 và động cơ 908 mã lực. Vỏ giáp tháp pháo không phẳng mà thiết kế có góc cạnh. Một số nhỏ 6B Gal Batash được nâng cấp lên từ 6B Gal. Tên không chính thức của nó là MGH 7D hay MGH 8.
    • MGH 6B Baz (6 Bet Baz): MGH 6B với hệ thống điều khiển bắn Baz. Một số nhỏ 6B Baz được nâng cấp lên từ 6B gốc.
    • MGH 6C (6 Gimel): M60A3 hiện đại hóa.
    • MGH 6R (6 Resh): M60 hiện đại hóa với động cơ AVDS-1790-2AG có máy phát điện mạnh hơn AVDS-1790-2A.
    • MGH 6R* (6 Resh*): MGH 6R với các nâng cấp chuẩn bị để hệ thống điều khiển bắn Nachal Oz.
    • MGH 6M (6 Mem): MGH 6R* với hệ thống điều khiển bắn Nachal Oz.
  • MGH 7: M60 với động cơ AVDS-1790-5A 908 mã lực, bổ sung thêm một lớp vỏ giáp, hệ thống điều khiển bắn mới và bộ bánh xích thiết kế theo kiểu xe tăng Merkava. MGH 7 dễ bị nhầm với xe tăng Sabra, đây cũng là một phiên bản nâng cấp M60 do Israel thực hiện nhằm cung cấp cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Nhìn chung thì MGH 7 và Sabra có nhiều điểm giống nhau, nhưng đặc điểm khác biệt quan trọng nhất đó là MGH sử dụng pháo tăng 105 ly trong khi Sabra sử dụng pháo tăng 120 ly MG251 giống như Merkava 3.[9]
    • MGH 7A (7 Alef): Phiên bản này được trang bị giáp thụ động với hộp số và thiết bị cung cấp năng lượng được thay đổi để phù hợp với trọng lượng tăng thêm. Một hệ thống điều khiển hoả lực mới được lắp đặt.
    • MGH 7B (7 Bet): Phiên bản này được dùng để thay thế tạm thời khi chuyển từ MGH 7A sang MGH 7C. Chỉ có một số ít Magach 7B được sản xuất trước khi có Magach 7C, thiết kế với khả năng bảo vệ đường đạn tốt hơn.
    • MGH 7C (7 Gimel): Phiên bản này tương tự Alef, tuy nhiên giáp thụ động thuộc thế hệ mới.

Nhà khai thác

[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ [1] Lưu trữ 2016-09-22 tại Wayback Machine Magach 7 Main battle tank
  2. ^ Armorama:: In-Box Review: Magach 6B Gal Batash
  3. ^ a b c Brezner 2008, tr. 23–25.
  4. ^ The Yom Kippur War: The Arab-Israeli War of 1973[liên kết hỏng] Simon Dunstan, tr. 88
  5. ^ “Patton Tanks in Israeli service”, Vehicles, Israeli weapons.
  6. ^ “Trade register”, Arms trade, Sipri, Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 4 năm 2010, truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2014.
  7. ^ “Magach 6/7 M60 series main battle tank”. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2014.
  8. ^ a b c “Vũ khí, khí tài lục quân Mỹ và Phương Tây”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2015.
  9. ^ “Sabra M60A3 Main Battle Tank Upgrade”. Army Technology. ngày 15 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2013.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]

Bản mẫu:Israeli AFVs