Muscat (nho)
Muscat (còn gọi là Moscato ở Ý, Moscatel ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) là tên của một trong những họ nho lâu đời nhất và phổ biến nhất trên thế giới. Giống nho mà ngày nay với tên Muscat - được cho là có nguồn gốc từ Trung Đông - đã được sử dụng trong sản xuất rượu vang từ thời Hy Lạp cổ đại. Tuy nhiên, lịch sử lâu dài khiến cho nó có rất nhiều tên khác, các biến thể. Họ nho Muscat bao gồm hơn 200 giống nho thuộc giống Vitis Vinifera, đã được sử dụng trong sản xuất rượu vang và nho khô và nho ăn trái trên khắp thế giới trong nhiều thế kỷ.
Màu sắc của chúng đa dạng từ màu trắng (như Muscat Ottonel), màu vàng (Moscato Giallo), màu hồng (Moscato rosa del Trentino) đến gần đen (Muscat Hamburg). Nho và rượu vang làm từ nho Muscat gần như luôn luôn có một mùi hương ngọt ngào đặc trưng. Sự đa dạng về chiều rộng và số lượng giống nho Muscat cho thấy rằng nó có lẽ là giống nho thuần lâu đời nhất, và có nhiều giả thuyết rằng hầu hết các giống nho Vitis Vinifera đều có nguồn gốc từ giống Muscat.[1]. Một ví dụ rượu vang làm từ nho Muscat là dòng rượu Moscato của Rex Goliath
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Các giả thuyết về nguồn gốc về sự đa dạng của nho Muscat tìm về lại Ai Cập và Ba Tư thời tiền cổ đại (3000-1000 năm TCN), đồng thời một số nhà nghiên cứu về nho, như Pierre Galet, tin rằng các giống nho họ Muscat đã được nhân giống trong thời kỳ cổ đại (năm 800 TCN đến 600 CN) bởi người Hy Lạp và La Mã. Tuy nhiên, trong khi sản xuất rượu vang trong nước đã có một lịch sử lâu dài ở Ai Cập và Ba Tư cổ đại và các nhà văn cổ điển như Columella và Pliny the Elder đã mô tả các giống nho "rất giống Muscat" như Anathelicon Moschaton và Apianae có vị rất ngọt ngào và hấp dẫn với loài ong (apis tiếng Latin), thì không có bằng chứng lịch sử vững chắc nào cho thấy rằng những giống nho làm rượu trước đây là thành viên của họ nho Muscat.[2]
Tài liệu đầu tiên đề cập đến giống nho gọi "Muscat" là trong các tác phẩm của vị học giả người Anh tên Phanxicô Bartholomeus Anglicus, người đã viết về rượu vang làm từ nho Muscat trong tác phẩm De proprietatibus rerum của ông bằng giữa những năm 1230-1240 khi Anglicus đang học tại nơi hiện là Saxony ở Đức. Các tác phẩm tiếng Latin của Anglicus đã được dịch sang tiếng Pháp vào năm 1372 với loại rượu được Anglicus mô tả là "vin extrait de raisins muscats".[2]
Nguồn gốc cái tên Muscat
[sửa | sửa mã nguồn]Bởi vì nguồn gốc chính xác của họ nho Muscat không thể xác định chính xác, nên các giả thuyết về nguồn gốc cái tên "Muscat" là rất nhiều. Câu chuyện thường được trích dẫn nhất là cái tên được bắt nguồn từ chữ muchk trong tiếng Ba Tư. Tương tự như moskos trong tiếng Hy Lạp, muscus tiếng Latinh và musc tiếng Pháp.[2]
Ở Ý, từ "mosca for fly" diễn tả hương thơm ngọt ngào và hàm lượng đường cao của nho Muscat, thứ thu hút côn trùng như loài ruồi giấm rất phổ biến.[3]
Các giả thuyết khác cho thấy gia đình nho Muscat có nguồn gốc ở nước Ảrập và được đặt tên theo thành phố Muscat nằm trên bờ Vịnh Oman. Thành phố khác đôi khi gợi ý như một nơi xuất hiện/tên tương tự là ở Hy Lạp - thành phố Moschato, nằm ở phía tây nam của Athens tại Attica. Moschato được cho là có phát âm tương tự trong tiếng Hy Lạp dành cho giống Muscat[4]
Các giống Muscat khác
[sửa | sửa mã nguồn]- Muscat blanc à Petits Grains
- Muscat of Alexandria
- Muscat of Hamburg
- Muscat Ottonel
- Canada Muscat
- Early Muscat
- Golden Muscat
- Manzoni Moscato
- Moscatello Selvatico
- Moscato di Scanzo
- Moscato di Terracina
- Moscato Giallo
- Moscato rosa del Trentino
- Muscat Bailey A
- Muscat bleu
- Muscat d'Eisenstadt
- Muscat Fleur d'Oranger
- Muscat Odessky
- Muscat of Norway
- Muscat Oliver
- Muscat Rose à Petits Grains
- Muscat Rouge à Petits Grains
- Muscat Swenson
- Muŝkát Moravský
- New York Muscat
- Riesling Muscat
Phân bố
[sửa | sửa mã nguồn]Như một quy luật chung, nho Muscat ưa thích khí hậu ấm áp và phát triển mạnh ở khí hậu Địa Trung Hải điển hình. Ví dụ tốt nhất là tại Ý, Pháp, Tây Ban Nha và ở Rutherglen, Úc. Ý sản xuất nho Muscat nhiều hơn bất kỳ nước nào khác.
Từ đồng nghĩa
[sửa | sửa mã nguồn]Trong khi mỗi thành viên trong gia đình Muscat có tập hợp từ đồng nghĩa riêng, thì tiền tố chung "Muscat" đều được sử dụng hầu hết trên toàn cầu. Ở Hy Lạp, nho thường được gọi là "Moschato" hoặc "Moschoudia", trong khi ở Ý, chúng được gọi là "Moscato" hoặc "Moscatello". Trên bán đảo Iberia, rượu vang Muscat của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha thường được đặt trước là "Moscatel", trong khi ở Đức, nho thường được gọi là "Muskat" hoặc "Muskateller". Ở Trung Âu, thành viên của gia đình Muscat được gọi là "Misket" ở Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ, "Muškat" ở Croatia và "Muskatoly" hoặc "Muskotály" ở Hungary. Ở vùng rượu vang miền bắc nước Tunisia, giống này thường được gọi là "Meski".[2]
Mặc dù có tên tương tự nhưng những giống nho Muscadelle, Muscadet và Muscardin không phải là thành viên của gia đình Muscat
Hương vị đặc trưng
[sửa | sửa mã nguồn]Những loại rượu vang trẻ, không được lão hóa và tăng cường của giống nho Muscat có khuynh hướng thể hiện phẩm chất đặc trưng của nho Muscat như mùi cam quýt, hoa hồng và đào. Đối với những loại rượu vang Muscat tăng cường và được lão hóa (đặc biệt trong những thùng gỗ sồi lâu năm) thường có màu tối do quá trình oxy hóa với hương vị của cà phê, bánh trái cây, nho khô và kẹo bơ cứng.
Hương thơm ấn tượng từ Muscat là một trong những đặc tính chính của nó, cùng với sự linh hoạt khi kết hợp với các giống nho khác nên nó là sự lựa chọn hấp dẫn cho những nhà sản xuất rượu vang. Muscat có thể được sản xuất rượu vang "khô", độ đậm trung bình (medium-bodied), ngọt, rượu vang sủi hay thậm chí là rượu vang tráng miệng. Đây cũng là lý do mà nhiều chuyên gia rượu vang thường gọi giống nho này là "grapey" hơn là "grape". Nhìn chung, những thành viên trong gia đình Muscat có độ axit thấp và không phù hợp để lão hóa nhiều hơn 4 năm (ngoại trừ dòng rượu vang Muscat tăng cường)
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ J. Robinson Vines Grapes & Wines pg 183 Mitchell Beazley 1986 ISBN 1-85732-999-6
- ^ a b c d J. Robinson, J. Harding and J. Vouillamoz Wine Grapes - A complete guide to 1,368 vine varieties, including their origins and flavours pgs 678-696 Allen Lane 2012 ISBN 978-1-846-14446-2
- ^ J. Robinson (ed) "The Oxford Companion to Wine" Third Edition trang 35, 100, 450, 453, 463-466 Oxford University Press 2006 ISBN 0-19-860990-6
- ^ J. Robinson, J. Harding và J. Vouillamoz, "Wine Grapes - A complete guide to 1,368 vine varieties, including their origins and flavours" trang 678-696 Allen Lane 2012 ISBN 978-1-846-14446-2