Bước tới nội dung

Sám hối

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Sám hối có nghĩa là:

(懺悔) Ăn năn tội lỗi, xin được tha thứ. Sám nói đủ là Sám ma (Phạn: Kwama), nghĩa là nhẫn, tức cầu xin người khác tha tội; Hối nghĩa là ăn năn hối hận tội lỗi mình đã gây ra trong hiện tại và quá khứ, nay đối trước Phật, Bồ tát, sư trưởng, đại chúng nói ra hết không giấu giếm, cầu mong đạt mục đích diệt tội. Theo phần chú thích trong Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ tì nại da quyển 15 do ngài Nghĩa tịnh dịch thì Sám và Hối có ý nghĩa khác nhau, Sám là cầu xin được tha thứ(tội nhẹ); Hối, tiếng Phạn là Àpattipra tide- zana (Hán âm: A bát để bát lạt để đề xá na), nghĩa là tự trình bày tội trạng (tội nặng), tức thuyết tội. Trong giáo đoàn Phật giáo nguyên thủy, khi 1 vị Tỳ khưu phạm tội thì đức Phật bảo vị ấy thực hành sám hối, rồi cứ mỗi nửa tháng cử hành Bồ tát và vào ngày cuối cùng của hạ an cư thì thực hành Tự tứ. Về phương pháp và tính chất của sám hối thì được chia làm nhiều loại:

1. Hai loại sám hối: Theo Tứ phần luật yết ma sớ quyển 1 thì sám hối có 2 loại là Chế giáo sám và Hóa giáo sám. a) Chế giáo sám: Người phạm tội về giới luật phải thực hành pháp sám hối này, chỉ áp dụng cho 5 chúng xuất gia, Tiểu thừa, hiện hành phạm... Chế giáo sám lại chia làm 3 loại: -Chúng pháp sám: Sám hối trước chúng tăng từ 4 người trở lên. -Đối thú sám: Sám hối trước vị sư gia. -Tâm niệm sám: Sám hối trước vị Bản tôn. b) Hóa giáo sám: Người phạm tội nghiệp đạo phải thực hành pháp sám hối này, được áp dụng chung cho tất cả. Cứ theo Ma ha chỉ quán quyển 2, thượng, sám hối có Sự và Lí khác nhau. Sự sám là sám hối bằng các việc làm như: Lễ bái, tán thán, tụng kinh... Còn Lí sám (cũng gọi Quán sát thực tướng sám hối) là sám hối bằng cách quán xét lí thực tướng để đạt đến diệt tội.

2. Ba loại sám hối (gọi tắt: Tam sám), có xuất xứ từ Kim quang minh kinh văn cú kí quyển 3, tức là: a) Tác pháp sám hối (gọi tắt: Tác pháp sám): Sám hối được thực hành theo tác pháp của Luật. b) Thủ tướng sám hối (gọi tắt: Thủ tướng sám, cũng gọi Quán tướng sám hối): Tức sám hối bằng cách quán tưởng tướng hảo của Phật để diệt tội. Hai cách sám hối trên đều thuộc Sự sám. c) Vô sinh sám hối (gọi tắt: Vô sinh sám): Sám hối bằng cách quán xét lí thực tướng, quán tưởng thể của tội vốn vô sinh. Đây thuộc Lí sám.

3. Năm loại sám hối: Theo kinh Quán phổ hiền bồ tát thì pháp sám hối của người tại gia có 5 việc: a) Không chê baiTam bảo, cho đến tu lục niệm. b) Hiếu dưỡng cha mẹ, cung kính sư trưởng. c) Dùng chính pháp trị nước, khiến cho lòng người chân thật, ngay thẳng. d) Vào 6 ngày trai, không giết hại. e) Tin nhân quả, tin đạo Nhất thực, tin Phật bất diệt.

4. Lục căn sám hối(cũng gọi Pháp hoa sám pháp): Sám hối tội chướng của 6 căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thực hành theo Pháp hoa tam muội sám pháp của ngài Trí khải tông Thiên thai.

Ngoài ra, trong Vãng sinh lễ tán có nêu 3 pháp sám hối Quảng, Yếu, Lược.

1. Yếu sám hối: Tức pháp sám hối bằng cách xướng tụng bài kệ 10 câu: Nam mô sám hối 10 phương Phật, nguyện diệt hết thảy tội trạng... ngưỡng nguyện thần quang trao tay, nương theo bản nguyện của Phật, được sinh về Tịnh độ cực lạc...

2. Lược sám hối: Tu hành 5 việc: Sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỉ, hồi hướng, phát nguyện.

3. Quảng sám hối: Sám hối các tội nghiệp ở quá khứ hoặc hiện tại trước Tam bảo Phật, Pháp, Tăng và đại chúng đồng tu.

[X. kinh Tạp a hàm Q.40; kinh Đại bảo tích Q.40; kinh Chiêm sát thiện ác nghiệp báo Q.thượng; kinh Tâm địa quán Q.1, 3; luật Tứ phần Q.37; luật Ngũ phần Q.10, Hữu bộ Tì nại datạpsự Q.13, 26; Pháp uyển châu lâm Q.86; Từ bi thủy sám Q.thượng; Tuệ uyển âm nghĩa Q.hạ].