Bước tới nội dung

Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2016

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc năm 2016
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Tuần 1

Trong sinh học, tiến hóa là sự thay đổi đặc tính di truyền của một quần thể sinh học qua những thế hệ nối tiếp nhau. Các quá trình tiến hóa làm nảy sinh sự đa dạng ở mọi mức độ tổ chức sinh học bao gồm loài, các cá thể sinh vật và cả các phân tử như ADNprotein. Sự sống trên Trái Đất khởi nguồn và sau đó tiến hóa từ một tổ tiên chung từ khoảng 3,8 tỷ năm trước. Sự tiến hóa thành loài mới và sự phân nhánh sự sống lặp lại có thể suy luận ra từ tập hợp những đặc tính sinh hóa và hình thái học chung, hay những chuỗi ADN chung. Những nét tương đồng này giống nhau hơn giữa những loài có tổ tiên chung gần gũi nhau hơn, và có thể dùng để tái dựng lịch sử tiến hóa từ những loài hiện tồn và những dấu vết hóa thạch. Hình ảnh về sự đa dạng sinh học trên hành tinh ngày nay hình thành từ cả sự hình thành loài và sự tuyệt chủng. Charles DarwinAlfred Wallace là những người đầu tiên hệ thống hóa những luận cứ khoa học cho lý thuyết tiến hóa theo con đường chọn lọc tự nhiên. [ Đọc tiếp ]

Tuần 2

Ảnh chụp khi diễn ra nhật thực toàn phần ngày 11 tháng 8 năm 1999.

Nhật thực xảy ra khi Mặt Trăng đi qua giữa Trái ĐấtMặt Trời và quan sát từ Trái Đất, lúc đó Mặt Trăng che khuất hoàn toàn hay một phần Mặt Trời. Điều này chỉ có thể xảy ra tại thời điểm sóc trăng non khi nhìn từ Trái Đất, lúc Mặt Trời bị Mặt Trăng che khuất và bóng của Mặt Trăng phủ lên Trái Đất. Trong lúc nhật thực toàn phần, đĩa Mặt Trời bị che khuất hoàn toàn. Với nhật thực một phần hoặc hình khuyên, đĩa Mặt Trời chỉ bị che khuất một phần. Nếu Mặt Trăng có quỹ đạo tròn hoàn hảo, gần hơn Trái Đất một chút, và trong cùng mặt phẳng quỹ đạo, sẽ có nhật thực toàn phần xảy ra mỗi lần trong một tháng. Tuy nhiên, quỹ đạo của Mặt Trăng nghiêng hơn 5° so với mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời, do vậy bóng của Mặt Trăng lúc trăng non thường không chiếu lên Trái Đất. Để hiện tượng nhật thực cũng như nguyệt thực xảy ra, Mặt Trăng phải đi qua mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất. Hơn nữa, quỹ đạo của Mặt Trăng có hình elip, và nó thường ở đủ xa Trái Đất khiến cho kích cỡ biểu kiến của nó không đủ lớn để che khuất hoàn toàn Mặt Trời lúc nhật thực. [ Đọc tiếp ]

Tuần 3

Đài tưởng niệm Katyn-Kharkiv-Mednoye
Đài tưởng niệm Katyn-Kharkiv-Mednoye

Thảm sát Katyn là một cuộc thảm sát những người quốc gia Ba Lan do Bộ Dân ủy Nội vụ, cảnh sát mật Liên Xô, thực hiện vào tháng 4 và tháng 5 năm 1940. Vụ thảm sát khởi đầu từ đề xuất của L. P. Beriya hành quyết tất cả các sỹ quan Ba Lan, ngày 5 tháng 3 năm 1940. Tài liệu chính thức này đã được Bộ Chính trị, gồm cả lãnh đạo I. V. Stalin, ký và đóng dấu. Số lượng nạn nhân được ước tính khoảng 22.000 người, với con số thấp là 21.768 người. Các nạn nhân bị giết hại tại Rừng Katyn Nga, các trại tù KalininKharkiv và những nơi khác. Trong tổng số người bị giết hại, khoảng 8.000 là các sỹ quan Ba Lan bị bắt làm tù binh trong cuộc xâm chiếm Ba Lan của Liên Xô năm 1939, 6.000 người khác là các sỹ quan cảnh sát, số còn lại là những người thuộc giới trí thức Ba Lan bị bắt giữ vì bị coi là các "nhân viên tình báo, sen đầm, địa chủ, những kẻ phá hoại, chủ nhà máy, luật sư, viên chức và thầy tu." Các vụ hành quyết tù binh chiến tranh cùng thời điểm. Các vụ hành quyết khác xảy ra ở khá xa tại các trại StarobelskOstashkov, tại trụ sở NKVD ở Smolensk, và các nhà tù tại Kalinin (Tver), Kharkiv, Moscow, và các thành phố Liên xô khác. Các vụ hành quyết khác diễn ra ở nhiều địa điểm tại Belarus và Tây Ukraina, dựa trên các danh sách đặc biệt về tù binh Ba Lan, do NKVD chuẩn bị đặc biệt cho các vùng đó. [ Đọc tiếp ]

Tuần 4

Mặt tiền Học viện Quốc gia Hành chánh.

Giáo dục Việt Nam Cộng hòa là nền giáo dục tại miền Nam Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa. Triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hòa là nhân bản, dân tộc, và khai phóng. Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa nhấn mạnh quyền tự do giáo dục, và cho rằng "nền giáo dục cơ bản có tính cách cưỡng bách và miễn phí", "nền giáo dục đại học được tự trị", và "những người có khả năng mà không có phương tiện sẽ được nâng đỡ để theo đuổi học vấn". Hệ thống giáo dục Việt Nam Cộng hòa gồm tiểu học, trung học, và đại học, cùng với một mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, và tư thục ở cả ba bậc học và hệ thống tổ chức quản trị từ trung ương cho tới địa phương. Ngay từ những ngày đầu hình thành nền Đệ nhất Cộng hòa, những người làm giáo dục ở miền Nam Việt Nam đã xây dựng được nền móng quan trọng cho nền giáo dục quốc gia, tìm ra câu trả lời cho những vấn đề giáo dục cốt yếu. Những vấn đề đó là: triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục, chương trình học, tài liệu giáo khoa và phương tiện học tập, vai trò của nhà giáo, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học, đánh giá kết quả học tập, và tổ chức quản trị. Nhìn chung, mô hình giáo dục ở miền Nam trong thập niên 1970 có khuynh hướng xa dần ảnh hưởng của giáo dục Pháp vốn chú trọng đào tạo một số ít phần tử ưu tú trong xã hội và có khuynh hướng thiên về lý thuyết, để chấp nhận mô hình giáo dục Hoa Kỳ có tính cách đại chúng và thực tiễn. Mặc dù tồn tại chỉ trong 20 năm (từ 1955 đến 1975), bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh và những bất ổn chính trị thường xảy ra, phần thì ngân sách eo hẹp do phần lớn ngân sách quốc gia phải dành cho quốc phòng và nội vụ, nền giáo dục Việt Nam Cộng hòa đã phát triển vượt bậc, đáp ứng được nhu cầu gia tăng nhanh chóng của người dân. [ Đọc tiếp ]

Tuần 5

Minh họa dựa trên phỏng đoán về một Trái Đất bị thiêu rụi sau khi Mặt Trời trở thành sao khổng lồ đỏ trong 7 tỉ năm tới.

Tương lai của Trái Đất về mặt sinh học và địa chất có thể được ngoại suy dựa trên việc ước lượng những tác động trong dài hạn của một số yếu tố, bao gồm thành phần hóa học của bề mặt Trái Đất, tốc độ nguội đi ở bên trong của nó, những tương tác trọng lực với các vật thể khác trong hệ Mặt Trời, và sự tăng dần lên trong độ sáng của Mặt Trời. Nhân tố bất định trong phép ngoại suy này là ảnh hưởng liên tục của những công nghệ mà loài người phát minh ra, chẳng hạn như kỹ thuật khí hậu, có khả năng gây ra những thay đổi lớn tới Trái Đất. Sự kiện tuyệt chủng Holocen đang diễn ra là hậu quả của công nghệ và những tác động của nó có thể kéo dài tới năm triệu năm. Từ đó, công nghệ có khả năng sẽ dẫn đến sự tuyệt chủng của loài người, để hành tinh quay trở lại nhịp độ tiến hóa chậm hơn chỉ nhờ vào những quá trình tự nhiên diễn ra một cách lâu dài. Giữa những khoảng thời gian dài tới hàng trăm triệu năm, các sự kiện vũ trụ ngẫu nhiên có khả năng đe dọa tới sinh quyển của Trái Đất trên quy mô toàn cầu và thậm chí gây tuyệt chủng hàng loạt. Chúng bao gồm những sự va chạm với sao chổi hoặc tiểu hành tinh có bán kính từ 5–10 km (3,1–6,2 mi) trở lên, và một vụ nổ siêu tân tinh xảy ra trong vòng bán kính 100 năm ánh sáng tính từ Mặt Trời, được gọi là siêu tân tinh gần Trái Đất. Các sự kiện địa chất quy mô lớn khác thì dễ dự đoán hơn. [ Đọc tiếp ]

Tuần 6

Charlie Chaplin là một diễn viên, đạo diễn phim hài người Anh trở nên nổi tiếng trong kỷ nguyên phim câm. Chaplin trở thành một hình tượng toàn cầu thông qua nhân vật Tramp (Charlot), thường được xem là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử ngành công nghiệp điện ảnh. Sự nghiệp của ông kéo dài trên 75 năm, từ tuổi thơ trong kỷ nguyên Victoria cho đến một năm trước khi qua đời ở tuổi 88, đem lại nhiều lời tán dương cũng như tranh cãi. Tuổi thơ của Chaplin ở Luân Đôn cực kỳ khổ cực và nghèo đói. Cha bỏ mặc gia đình, để mẹ ông chật vật kiếm tiền, ông đã hai lần bị gửi vào trại tế bần trước khi lên 9. Năm Chaplin 14 tuổi mẹ ông phải vào trại tâm thần. Chaplin bắt đầu trình diễn khi còn nhỏ tuổi, lưu diễn ở các rạp hát và sau đó trở thành một diễn viên sân khấu, một nghệ sĩ hài. Ở tuổi 19 ông gia nhập công ty danh tiếng Fred Karno, và có chuyến đi đầu tiên tới Hoa Kỳ, nơi phát triển sự nghiệp của ông. Chaplin bắt đầu tham gia đóng phim, và trình làng với phim Making a Living (1914) của Keystone Studios. Chaplin sớm hình thành nhân vật Tramp và tạo nên một lượng người hâm mộ lớn. Tới năm 1918, Chaplin đã trở thành một trong những nhân vật nổi danh nhất trên thế giới. [ Đọc tiếp ]

Tuần 7

Thiên kiến xác nhận là một khuynh hướng của con người ưa chuộng những thông tin nào xác nhận các niềm tin hoặc giả thuyết của chính họ. Con người biểu hiện thiên kiến hoặc định kiến này khi họ thu thập hoặc ghi nhớ thông tin một cách có chọn lọc, hoặc khi họ diễn giải nó một cách thiên vị và thường đi kèm với sự từ chối xem xét các góc nhìn khác. Ảnh hưởng của thiên kiến xác nhận mạnh hơn đối với các vấn đề liên quan tới cảm xúc, hoặc những niềm tin đã ăn sâu vào tâm thức. Người ta cũng có xu hướng diễn dịch bằng chứng không rõ ràng để ủng hộ cho lập trường có sẵn của họ. Sự tìm kiếm bằng chứng, giải thích và ghi nhớ một cách thiên vị cũng được viện dẫn để giải thích phân cực thái độ (khi bất đồng trở nên cực đoan hơn mặc dù các bên khác nhau đều tiếp xúc với cùng một bằng chứng), tín điều cố chấp (khi những tín điều vẫn tồn tại ngay cả khi bằng chứng rằng nó sai lầm đã được đưa ra), hiệu ứng ưu tiên phi lý (khi người ta tin tưởng hơn vào thông tin nhận trước trong một loạt thông tin), tương quan ảo tưởng (khi người ta nhận thức một cách sai lầm về mối tương quan giữa hai sự kiện hoặc tình huống). [ Đọc tiếp ]

Tuần 8

"Dennō Senshi Porigon" là tập phim thứ 38 trong mùa đầu tiên của loạt anime Pokémon. Tập phim chỉ phát sóng một lần duy nhất tại Nhật Bản vào tối ngày 16 tháng 12 năm 1997 trên 37 kênh truyền hình và được khoảng 4,6 triệu hộ gia đình theo dõi. Tập phim do Itani Kiyotaka đạo diễn và Takegami Junki soạn kịch bản. Trong tập này, Satoshi và những người bạn đi đến một Pokémon Center, nơi có một thiết bị vận chuyển bóng Poké gặp sự cố. Tiến sĩ Akihabara, người chế tạo ra cỗ máy, kết luận rằng lỗi này do virus máy tính gây ra. Ông cho biết chính nhóm Rocket đứng đằng sau mọi chuyện, và đưa nhóm Satoshi cùng pokémon Porigon vào không gian ảo để ngăn chặn bọn họ.

Điểm đáng chú ý của tập phim này là sử dụng những hiệu ứng hoạt họa khiến một lượng đáng kể người xem bị động kinh, sự cố mà về sau được giới truyền thông Nhật Bản gọi là "Pokémon Shock". 685 người xem đã được đưa vào bệnh viện; trong đó có hai người phải tiếp tục nằm điều trị trong hai tuần. Tai nạn này đã gây chấn động dư luận Nhật Bản và thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Kênh truyền hình điều hành sản xuất tập phim là TV Tokyo đã phải xin lỗi công khai người dân toàn quốc, đồng thời cùng với Chính phủ Nhật Bản cấm phát sóng lại tập này trên toàn thế giới. Sau sự cố, anime Pokémon bị gián đoạn khoảng bốn tháng, và nó xuất hiện trở lại vào tháng 4 năm 1998 với nhiều sự thay đổi trong khâu chiếu phát. Kể từ đó, tập phim đã được nhại lại trong truyền thông đại chúng, bao gồm một vài tập trong The SimpsonsSouth Park. [ Đọc tiếp ]

Tuần 9

"Imagine" là ca khúc do nhạc sĩ-ca sĩ người Anh John Lennon sáng tác và thể hiện. Đây là đĩa đơn bán chạy nhất trong sự nghiệp đơn ca của ca sĩ này. Lời bài hát cổ vũ người nghe hãy tưởng tượng ra một thế giới hoà bình, không có biên giới chia cắt các quốc gia, không có sự chia rẽ giữa các tôn giáo và sắc tộc, và thể hiện mong muốn rằng xã hội loài người sẽ sống một cuộc sống không chịu sự chi phối của của cải vật chất. Lennon và Yoko Ono đồng sản xuất đĩa đơn này cũng như album cùng tên với Phil Spector. Quá trình thu âm bắt đầu tại phòng thu tại gia của Lennon tại Công viên Tittenhurst, Anh vào tháng 5 năm 1971. Công đoạn ghi âm đè cuối cùng diễn ra tại phòng thu Record Plant, ở thành phố New York vào tháng 7. Một tháng sau khi phát hành dưới dạng đĩa than LP vào tháng 9, Lennon cho ra mắt "Imagine" dưới dạng một đĩa đơn tại Hoa Kỳ; ca khúc lên tới vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 còn bản thu trên đĩa than LP đứng đầu bảng xếp hạng Anh quốc vào tháng 11, sau này trở thành album có thành công chuyên môn và thương mại cao nhất trong sự nghiệp solo của Lennon. BMI thống kê "Imagine" là một trong số 100 ca khúc được biểu diễn nhiều nhất thế kỷ 20. Ca khúc đứng thứ 30 trong danh sách 365 Ca khúc của Thế kỷ có ảnh hưởng lịch sử lớn nhất của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ. [ Đọc tiếp ]

Tuần 10

Thư viện Quốc gia Pháp

Thư viện Quốc gia Phápthư viện quan trọng nhất, đồng thời là cơ quan giữ chức năng lưu chiểu xuất bản phẩm của Pháp. Với vai trò thư viện quốc gia, đây cũng là nơi sưu tầm và lưu trữ những di sản thư tịch, đồng thời đảm nhiệm chức năng biên soạn, phát hành thư mục quốc gia. Thư viện Quốc gia Pháp ngày nay bao gồm 5 địa điểm và 2 trung tâm bảo quản tài liệu, trong đó địa điểm chính mang tên François-Mitterrand nằm ở Quận 13, Paris, còn địa điểm lịch sử Richelieu vẫn nằm trong trung tâm thành phố. Năm 2008, ngân sách của thư viện lên đến 280,6 triệu euro với tổng số nhân viên khoảng 2.500 người. Thư viện Quốc gia Pháp có lịch sử bắt đầu vào năm 1368, khi vua Charles V cho thành lập thư viện cá nhân đặt trong cung điện Louvre. Trở thành thư viện quốc gia vào thời kỳ Cách mạng, thư viện không ngừng đón nhận những bộ sưu tập sách được đưa về từ khắp Paris và nước Pháp, rồi từ cả những quốc gia láng giềng. Ngày nay, Thư viện Quốc gia Pháp là nơi lưu giữ nhiều bộ sưu tập tài liệu quan trọng với 13 triệu cuốn sách, 250 nghìn tập bản thảo, 350 nghìn tựa báo và tạp chí, 12 triệu bản in cùng nhiều tài liệu dạng khác bằng hàng trăm ngôn ngữ. [ Đọc tiếp ]

Tuần 11

Madonna
Madonna

Madonna là nữ ca sĩ, người viết bài hát, diễn viên và thương nhân người Mỹ. Bà nổi danh trong việc phá bỏ giới hạn nội dung ca từ trong văn hóa âm nhạc đại chúng và hình tượng trong các video âm nhạc, thường xuyên được xuất hiện trên MTV. Madonna còn được biết đến bởi khả năng tái sáng tạo âm nhạc và hình ảnh của mình, đồng thời giữ vững quyền tự chủ trong ngành công nghiệp thu âm. Được mệnh danh là "Nữ hoàng nhạc pop", bà là nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ khác trên toàn thế giới. Với hơn 300 triệu đĩa thu âm đã tiêu thụ trên toàn cầu, Madonna được công nhận là nữ nghệ sĩ thu âm bán chạy nhất mọi thời đại bởi Sách Kỷ lục Guinness. Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ (RIAA) xếp Madonna là nữ nghệ sĩ rock bán chạy nhất thế kỷ 20 và là nữ nghệ sĩ bán chạy thứ hai tại Hoa Kỳ, với 64.5 triệu chứng nhận album. Theo Billboard, Madonna là nữ nghệ sĩ lưu diễn hàng đầu mọi thời đại, thu về hơn 1 tỷ đô-la Mỹ từ các chuyến lưu diễn của mình. Bà đứng ở vị trí thứ 2, chỉ sau ban nhạc The Beatles, trong danh sách Billboard Hot 100 All-Time Top Artists, giúp bà là nghệ sĩ đơn ca thành công nhất lịch sử bảng xếp hạng đĩa đơn Hoa Kỳ. Madonna là một trong 5 thành viên sáng lập nên Đại sảnh Danh vọng Âm nhạc Liên hiệp Anh và được bổ nhiệm vào Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll trong năm hợp lệ đầu tiên. [ Đọc tiếp ]

Tuần 12

Một bức tranh minh họa Pháp thời Trung Cổ về ba giai cấp trong xã hội: tăng lữ, hiệp sĩ và nông dân. Mối quan hệ giữa các giai cấp này nằm trong khuôn khổ của chế độ phong kiến và chế độ trang viên.
Một bức tranh minh họa Pháp thời Trung Cổ về ba giai cấp trong xã hội: tăng lữ, hiệp sĩ và nông dân. Mối quan hệ giữa các giai cấp này nằm trong khuôn khổ của chế độ phong kiến và chế độ trang viên.

Thời kỳ Trung Cổ là giai đoạn trong lịch sử châu Âu bắt đầu từ sự sụp đổ của Đế quốc Tây Rômathế kỷ 5, kéo dài tới thế kỷ 15, hòa vào thời Phục hưngThời đại khám phá. Thời Trung Cổ (Trung Đại) là thời đại thứ hai trong ba thời đại lịch sử theo cách phân kỳ truyền thống của lịch sử phương Tây, cùng với Cổ Đại và Hiện đại. Thời kỳ Trung Cổ tự nó chia làm ba giai đoạn, Sơ kỳ Trung Cổ, Trung kỳ Trung CổHậu kỳ Trung Cổ. Suy giảm dân số, sự đảo ngược đô thị hóa, xâm lược, và di dân, bắt đầu từ Hậu kỳ Cổ đại, tiếp diễn trong thời Sơ kỳ Trung Cổ. Trong thời Trung kỳ Trung Cổ, bắt đầu từ thế kỷ 11, dân số châu Âu tăng nhanh khi các tiến bộ kỹ thuật và thời tiết thuận lợi giúp sản xuất phát triển và theo đó là thương mại phát đạt. Chế độ trang viên và chế độ phong kiến xác lập nên cấu trúc kinh tế-chính trị của xã hội thời Trung kỳ Trung Cổ. Giáo hội Công giáo củng cố sức ảnh hưởng trong khi những cuộc thập tự chinh được kêu gọi để tái chiếm Đất Thánh từ tay người Hồi giáo. Các nhà quân chủ ở nhiều quốc gia củng cố nhà nước trung ương tập quyền, giảm bớt tình trạng cát cứ. Đời sống trí thức ghi nhận sự thống trị của chủ nghĩa kinh viện và sự thành lập những trường đại học, trong khi nghệ thuật chứng kiến phong cách Gothic lên đến đỉnh cao. Thời Hậu kỳ Trung Cổ đánh dấu một loạt những khó khăn và tai họa bao gồm nạn đói, dịch hạch, và chiến tranh, gây suy giảm nghiêm trọng dân số Tây Âu; chỉ riêng Cái chết Đen đã hủy diệt một phần ba dân số châu Âu. [ Đọc tiếp ]

Tuần 13

Anne Frank (12 tháng 6 năm 1929 - 12 tháng 3 năm 1945) là nhà văn và tác giả hồi ký người Đức. Cô là một trong những nạn nhân người Do Thái được biết đến nhiều nhất trong cuộc tàn sát Holocaust. Tác phẩm Nhật ký Anne Frank, ghi chép lại cuộc đời của cô trong khi ẩn náu lúc quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng thời Thế chiến thứ 2, là một trong những quyển sách nổi tiếng nhất thế giới, gây cảm hứng cho nhiều vở diễn và tác phẩm điện ảnh. Sinh ra tại Frankfurt am Main, Đức, Anne lớn lên gần Amsterdam, Hà Lan. Vào năm 1941, cô bị tước đi tư cách công dân và trở thành người không có quốc tịch. Sau khi Adolf Hitler lên nắm quyền vào tháng 1 năm 1933, gia đình Anne Frank rời khỏi Frankfurt đến Amsterdam cuối năm 1933 để thoát khỏi sự truy đuổi của Đức Quốc xã. Từ tháng 7 năm 1942, họ sống trốn tránh trong những căn phòng được ngụy trang, khi đó Anne 13 tuổi. Sau hai năm, do bị phản bội, gia đình Anne bị phát hiện và đưa tới trại tập trung của Đức Quốc xã. Vào tháng 2 hoặc tháng 3 năm 1945, Anne cùng chị gái Margot Frank mất tại trại Bergen-Belsen, chỉ vài tuần trước khi trại giải thể vào tháng 4. [ Đọc tiếp ]

Tuần 14

Istanbul (tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: İstanbul) là thành phố lớn nhất, đồng thời là trái tim kinh tế, văn hóa và lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ. Với dân số hơn 14 triệu người, Istanbul trở thành một trong số các vùng đô thị lớn nhất châu Âu và xếp vào một trong những thành phố đông dân nhất thế giới xét về dân cư trong địa phận thành phố. Diện tích vùng đô thị của thành phố là 5343 km², đây cũng là khuôn khổ của tỉnh Istanbul mà nó là thủ phủ. Istanbul là một thành phố liên lục địa, bắc ngang qua eo biển Bosphorus - một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới - ở tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ, nối biển Marmarabiển Đen. Trung tâm lịch sử và thương mại của Istanbul nằm ở phần thuộc châu Âu, và chỉ có một phần ba dân số cư trú ở phần thuộc châu Á. Kiến tạo trên mũi đất Sarayburnu khoảng năm 660 trước Công nguyên với tên gọi Byzantium, thành phố mà nay được gọi là Istanbul đã phát triển trở thành một trong những đô thành huy hoàng nhất trong lịch sử. Trong gần mười sáu thế kỉ sau sự tái thiết thành Constantinopolis năm 330 Công nguyên, nó từng là kinh đô của bốn đế quốc: Đế quốc La Mã (330-395); Đế quốc Byzantine (395-1204 và 1261-1453), Đế quốc Latin (1204-1261) và Đế quốc Ottoman (1453-1922). Thành phố đã đóng vai trò quan trọng trong sự lớn mạnh của Cơ đốc giáo dưới các thời đại La Mã và Byzantine, trước khi người Ottoman chinh phục vào năm 1453 và biến nó thành một pháo đài Hồi giáo, nơi trị vì của triều đại khalip cuối cùng. [ Đọc tiếp ]

Tuần 15

Thế Lữ (1907–1989) là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Việt Nam. Thế Lữ nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930, với những tác phẩm Thơ mới, đặc biệt là bài Nhớ rừng, cùng những tác phẩm văn xuôi, tiêu biểu là tập truyện Vàng và máu (1934). Trở thành thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn kể từ khi mới thành lập (1934), ông hầu hết hoạt động sáng tác văn chương trong thời gian là thành viên của nhóm, đồng thời cũng đảm nhận vai trò một nhà báo, nhà phê bình, biên tập viên mẫn cán của các tờ báo Phong hóaNgày nay. Từ năm 1937, hoạt động của Thế Lữ chủ yếu chuyển hướng sang biểu diễn kịch nói, trở thành diễn viên, đạo diễn, nhà viết kịch, trưởng các ban kịch Tinh Hoa, Thế Lữ, Anh Vũ, hoạt động cho đến sau Cách mạng tháng Tám. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm kịch kháng chiến trong những năm Chiến tranh Đông Dương. Sau Hiệp định Genève, ông tiếp tục hoạt động sân khấu, trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957–1977).

Ông được coi là một người tiên phong, không chỉ trong phong trào Thơ mới, trong lĩnh vực văn chương trinh thám, kinh dị, đường rừng, mà còn là người có đóng góp rất lớn trong việc chuyên nghiệp hóa nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở Việt Nam. Thế Lữ đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1984 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000. [ Đọc tiếp ]

Tuần 16

The Beatles là ban nhạc rock người Anh hoạt động trong thập niên 1960. Với 4 thành viên John Lennon, Paul McCartney, George HarrisonRingo Starr, bộ tứ trở thành nghệ sĩ thành công nhất và ảnh hưởng nhất thời kỳ huy hoàng của nhạc rock. Khởi đầu với nhạc skiffle, beat và rock 'n' roll thập niên 1950, The Beatles sau đó đã chơi nhiều thể loại đa dạng, từ pop ballad tới psychedelichard rock, kết hợp với âm nhạc cổ điển theo nhiều cách khác nhau. Đầu những năm 1960, sự nổi tiếng của họ là nguồn gốc của hiện tượng Beatlemania, song cùng với sự phát triển trong quan điểm và cách viết nhạc, ban nhạc dần trở thành hiện thân của những ý tưởng thời kỳ giải phóng xã hội của thập niên 60. Theo Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ (RIAA), The Beatles là nghệ sĩ có doanh số đĩa bán chạy nhất tại Mỹ với tổng cộng hơn 177 triệu đĩa đã bán. Có tên trong danh sách "Nhân vật quan trọng nhất của thế kỷ 20" của tạp chí Time, họ cũng được nhắc tới là nghệ sĩ có số đĩa bán chạy nhất lịch sử với hơn 600 triệu đĩa đã bán trên toàn thế giới. The Beatles từng giành tới 10 giải Grammy, 1 giải Oscar cho nhạc phim hay nhất và 15 giải Ivor Novello. Năm 2004, tạp chí Rolling Stone xếp The Beatles là nghệ sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại. [ Đọc tiếp ]

Tuần 17

Paracetamol hoặc acetaminophen là một thuốc có tác dụng hạ sốt và giảm đau, tuy nhiên không như aspirin nó không có hoặc ít có tác dụng chống viêm. So với các thuốc NSAIDs, paracetamol có rất ít tác dụng phụ với liều điều trị nên được cung cấp không cần kê đơn ở hầu hết các quốc gia. Từ xưa, người ta đã sử dụng cây liễu làm thuốc hạ sốt, mà sau này đã chiết xuất được aspirin. Thế kỷ 19, cây canh ki na và chất chiết xuất từ nó là Quinin được sử dụng để làm hạ sốt trong bệnh sốt rét. Khi cây canh ki na dần khan hiếm vào những năm 1880, người ta bắt đầu đi tìm các thuốc thay thế. Khi đó 2 thuốc hạ sốt đã được tìm ra là acetanilide năm 1886 và phenacetin năm 1887. Năm 1878 Harmon Northrop Morse đầu tiên đã tổng hợp được paracetamol từ con đường giáng hóa p-nitrophenol cùng với thiếc trong giấm đóng băng. Tuy nhiên, paracetamol đã không được dùng làm thuốc điều trị trong suốt 15 năm sau đó. Năm 1893, paracetamol đã được tìm thấy trong nước tiểu của người uống phenacetin, và đã được cô đặc thành một chất kết tinh màu trắng có vị đắng. Năm 1899, paracetamol được khám phá là một chất chuyển hóa của acetanilide. Khám phá này đã bị lãng quên vào thời gian đó. Đến năm 1948, Bernard Brodie và Julius Axelrod chủ trương sử dụng paracetamol trong điều trị và từ đó đã không xuất hiện các độc tính như của acetanilide nữa. [ Đọc tiếp ]

Tuần 18

Sao Hải Vương với Vết Tối Lớn bên trái và Vết Tối Nhỏ phía dưới bên phải. Các đám mây trắng chứa bằng mêtan; màu xanh nổi bật của hành tinh là do phân tử mêtan hấp thụ ánh sáng bước sóng đỏ.

Sao Hải Vươnghành tinh thứ tám và xa nhất tính từ Mặt Trời trong Hệ Mặt Trời. Nó là hành tinh lớn thứ tư về đường kính và lớn thứ ba về khối lượng. Sao Hải Vương có khối lượng cao hơn 17 lần khối lượng của Trái Đất và lớn hơn khối lượng của Sao Thiên Vương, xấp xỉ bằng 15 lần của Trái Đất. Sao Hải Vương quay trên quỹ đạo quanh Mặt Trời ở khoảng cách trung bình 30,1 AU, bằng khoảng 30 lần khoảng cách Trái Đất - Mặt Trời. Đặt tên theo vị thần biển cả của người La Mã, nó có ký hiệu thiên văn là ♆, cách điệu cây đinh ba của thần Neptune. Sao Hải Vương là hành tinh đầu tiên được tìm ra bằng tính toán lý thuyết hơn là bởi quan sát thực tế. Do sự thay đổi không lường trước của quỹ đạo Sao Thiên Vương khiến nhà thiên văn Alexis Bouvard kết luận rằng quỹ đạo của nó bị ảnh hưởng bởi nhiễu loạn trong tương tác hấp dẫn với một hành tinh chưa từng biết. Sau đó vào ngày 23 tháng 9 năm 1846, nhà thiên văn Johann Galle thông báo phát hiện ra Sao Hải Vương nằm lệch 1 độ so với vị trí tiên đoán của nhà thiên văn Urbain Le Verrier. Người ta cũng khám phá ra ngay sau đó vệ tinh lớn nhất, Triton, trong khi 12 vệ tinh còn lại chỉ được phát hiện tận trong thế kỷ 20. Cho tới nay, tàu không gian Voyager 2 là tàu duy nhất bay qua Sao Hải Vương vào ngày 25 tháng 8 năm 1989. [ Đọc tiếp ]

Tuần 19

Audrey Hepburn năm 1956
Audrey Hepburn năm 1956

Audrey Hepburn (1929 – 1993) là nữ diễn viên người Anh. Là biểu tượng của điện ảnh và thời trang, Hepburn hoạt động trong Thời Hoàng kim của Hollywood. Qua các cuộc bầu chọn, bà thường được xem là một trong những phụ nữ đẹp nhất thế kỷ 20 và bà được xếp ở vị trí thứ 3 trong danh sách những huyền thoại vĩ đại nhất lịch sử chiếu bóng Hoa Kỳ do Viện phim Mỹ bình chọn và được vinh danh tại Đại lộ Danh vọng. Sinh ra tại Ixelles, một quận của Brussels, Hepburn trưởng thành tại Bỉ, Anh và Hà Lan, bao gồm khu vực Arnhem do Đức chiếm đóng trong Thế chiến thứ hai, nơi bà làm việc chuyển phát nhanh trong cuộc kháng chiến Hà Lan và hỗ trợ gây quỹ. Tại Amsterdam, bà theo học bộ môn kịch múa với Sonia Gaskell, trước khi chuyển đến Luân Đôn vào năm 1948 để tiếp tục chương trình luyện tập cùng Marie Rambert và hát bè tại các chương trình nhạc kịch West End. Sau khi tham gia nhiều vai phụ trong các bộ phim, Hepburn được tiểu thuyết gia người Pháp Colette chú ý và sắm vai chính trong vở kịch Broadway Gigi (1951). Bà bứt phá bằng vai chính trong phim Roman Holiday (1953), đem lại cho bà giải Oscar, giải Quả cầu vànggiải BAFTA. Cùng năm đó, Hepburn thắng giải Tony cho "Nữ diễn viên chính kịch xuất sắc nhất" với diễn xuất trong kịch Ondine. Hepburn sau này ít tham gia diễn xuất mà cống hiến nhiều hơn cho UNICEF. Bà được phong tặng Huân chương Tự do Tổng thống vào tháng 12 năm 1992. [ Đọc tiếp ]

Tuần 20

Các vùng chiến sự chính trong Chiến tranh biên giới Việt-Trung, 1979

Chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979 là cuộc chiến ngắn nhưng bạo liệt khi Trung Quốc đem quân đánh vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc vào ngày 17 tháng 2 năm 1979. Chiến tranh biên giới Việt - Trung xuất phát từ quan hệ căng thẳng kéo dài giữa hai quốc gia và ý đồ “dạy cho Việt Nam một bài học” của Đặng Tiểu Bình, kéo dài trong chừng một tháng với thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho cả hai phía. Cuộc chiến kết thúc khi Trung Quốc hoàn thành rút quân vào ngày 18 tháng 3 năm 1979, sau khi chiếm được các thị xã Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng và một số thị trấn vùng biên. Mục tiêu của Trung Quốc buộc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia không thành, nhưng cuộc chiến để lại hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam và quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Xung đột vũ trang tại biên giới còn tiếp diễn thêm 10 năm. Hơn 13 năm sau, quan hệ ngoại giao Trung-Việt được chính thức bình thường hóa. Tuy Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến nhưng cả hai bên đều phải chịu thiệt hại nặng nề về người và của. Cuộc chiến đặc biệt để lại nhiều tác hại lớn cho phía Việt Nam, đặc biệt là nền kinh tế. Ngoài các thương vong về con người, Việt Nam còn phải gánh chịu nhiều khó khăn, thiệt hại do thái độ và chính sách thù địch, vây hãm mà Trung Quốc và đồng minh của Trung Quốc gây ra trên các mặt trận quân sự, kinh tế, ngoại giao. [ Đọc tiếp ]

Tuần 21

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama

Barack Obama (sinh ngày 4 tháng 8 năm 1961 tại Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ) là tổng thống thứ 44 và đương nhiệm của Hoa Kỳ. Ông đánh bại Thượng nghị sĩ John McCain trong kỳ tổng tuyển cử ngày 4 tháng 11 năm 2008 để trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên thắng cử chức vụ này. Trước đó, Obama là Thượng nghị sĩ đại diện cho Illinois đến khi ông từ chức. Sau khi tốt nghiệp Đại học Columbia và Trường Luật của Đại học Harvard, nơi ông từng là chủ nhiệm của tờ tạp chí Harvard Law Review, Obama nhận công việc của một chuyên viên tổ chức cộng đồng và luật sư tập sự chuyên ngành luật nhân quyền, trước khi đắc cử vào Thượng viện của Tiểu bang Ilinois và phục vụ tại đây từ năm 1997 đến 2004. Sau thất bại khi tranh cử vào Viện Dân biểu Hoa Kỳ trong năm 2000, Obama tuyên bố chiến dịch tranh cử cho Thượng nghị viện vào tháng 1 năm 2003. Sau chiến thắng vang dội trong kỳ bầu cử sơ bộ trong tháng 3 năm 2004, ông được mời đọc diễn văn tại Đại hội Đảng Dân chủ Toàn quốc vào tháng 7 năm 2004. Tháng 11 năm 2004, Obama đắc cử vào Thượng viện Hoa Kỳ với 70% phiếu bầu, trở thành thượng nghị sĩ người Mỹ gốc Phi thứ năm trong lịch sử Hoa Kỳ và là người Mỹ gốc Phi duy nhất phục vụ trong Thượng viện vào lúc đó. [ Đọc tiếp ]

Tuần 22

Hướng đạo là một phong trào thanh thiếu niên có phạm vi toàn cầu với mục đích được nêu rõ là trợ giúp giới trẻ trong việc phát triển tâm linh, tâm trí và sức khỏe để đóng những vai trò xây dựng trong xã hộicộng đồng. Hướng đạo bắt đầu vào năm 1907 khi Robert Baden-Powell tổ chức một cuộc cắm trại Hướng đạo đầu tiên tại đảo Brownsea ở Anh. Baden-Powell viết ra các nguyên tắc của Hướng đạo trong sách Hướng đạo cho nam, dựa vào các sách quân đội trước đây của ông. Trong nửa đầu thế kỷ 20, phong trào phát triển bao gồm ba lứa tuổi chính (Ấu, Thiếu, Tráng). Phong trào dùng Phương pháp Hướng đạo, một chương trình giáo dục không chính thức chú ý đặc biệt vào các hoạt động thực hành ngoài trời, bao gồm cắm trại, kỹ năng sống trong rừng, trò chơi dưới nước, đi bộ đường dài, Du hành với trang bị sau lưng, và các trò thể thao. Gieo trồng tình yêu và sự hiểu rõ giá trị cuộc sống ngoài trời và các hoạt động ngoài trời là một yếu tố chính. Một đặc điểm của phong trào dễ được nhận ra là đồng phục Hướng đạo với khăn quàngmũ vận động hay mũ đội đầu tương ứng. Huy hiệu đặc biệt trên đồng phục bao gồm hoa bách hợphình ba lá, cũng như các chuyên hiệu và những phù hiệu đẳng cấp khác. Năm 2007, Hướng đạo nam và nữ cộng lại có trên 38 triệu thành viên trong 216 quốc gia. [ Đọc tiếp ]

Tuần 23

Ringo Starr (tên thật là Richard Starkey, sinh ngày 7 tháng 7 năm 1940) là nhạc sĩ, ca sĩ và diễn viên người Anh, nổi tiếng toàn cầu trong vai trò tay trống của ban nhạc The Beatles. Trong ban nhạc, ông thỉnh thoảng cũng lĩnh xướng trong các ca khúc như "With a Little Help from My Friends", "Yellow Submarine" hay bản hát lại của "Act Naturally". Ngoài ra, ông còn tham gia sáng tác một số ca khúc như "Don't Pass Me By" và "Octopus's Garden", và đồng sáng tác một số tác phẩm khác như "What Goes On" và "Flying". Starkey từng 2 lần gặp vấn đề về suy nhược khi còn nhỏ, dẫn tới việc phải nằm viện dài ngày trong thời gian đi học. Năm 1955, ông tham gia lao động và có được vị trí tại British Rail trước khi theo học làm công nhân vật tư ở Liverpool. Không lâu sau, ông bị cuốn theo làn sóng nhạc skiffle ở Anh và nhanh chóng phát triển trong môi trường này. Năm 1957, ông thành lập ban nhạc đầu tiên có tên Eddie Clayton Skiffle Group, gây được sự chú ý đáng kể trong vùng trước khi bị dòng nhạc rock and roll từ Mỹ lấn át vào đầu năm 1958. Khi The Beatles được thành lập vào năm 1960, Starkey còn là thành viên của nhóm Rory Storm and the Hurricanes. Sau khi có được chút thành công cùng ban nhạc tại Anh và Hamburg, ông rời The Hurricanes và gia nhập The Beatles vào tháng 8 năm 1962 để thay thế Pete Best. [ Đọc tiếp ]

Tuần 24

Giải vô địch bóng đá châu Âu năm 2012giải vô địch bóng đá châu Âu lần thứ 14 do Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) tổ chức. Vòng chung kết được tổ chức tại Ba Lan và Ukraina từ ngày 8 tháng 6 đến 1 tháng 7 năm 2012. Đây cũng là lần đầu tiên hai quốc gia này đăng cai giải đấu sau khi được lựa chọn bởi ủy ban điều hành UEFA vào năm 2007. Euro 2012 cũng là vòng chung kết cuối cùng có 16 đội tuyển tranh tài (kể từ Euro 2016 trở đi, sẽ có 24 đội vào vòng chung kết). Vòng sơ loại bao gồm 51 đội tuyển tham dự từ tháng 8 năm 2010 đến tháng 11 năm 2011. Giải được tổ chức tại 8 sân vận động, trong đó có 5 sân là được xây mới. Trận đấu mở màn của giải là trận hòa 1-1 giữa chủ nhà Ba LanHy Lạp trên sân vận động quốc gia tại Warsaw vào ngày 8 tháng 6 năm 2012 còn trận đấu cuối cùng diễn ra trên sân vận động Olympic, Kiev, Ukraina, nơi đội tuyển Tây Ban Nha đã có chiến thắng 4–0 trước đội tuyển Ý. Qua đó giúp họ trở thành đội đầu tiên bảo vệ thành công chức vô địch châu Âu, và là đội tuyển châu Âu đầu tiên giành ba danh hiệu lớn liên tiếp. Tuy vậy, do Tây Ban Nha đã được nhận một suất tham dự Cúp Liên đoàn các châu lục 2013 nhờ vô địch World Cup 2010 nên đội á quân Ý sẽ là đại diện cho UEFA tham dự giải đấu trên. [ Đọc tiếp ]

Tuần 25

Friedrich IIIvua nước Phổ, đồng thời là Hoàng đế thứ hai của Đế quốc Đức, trị vì trong vòng 99 ngày vào năm 1888 – "Năm Tam đế trong lịch sử Đức. Friedrich Wilhelm Nikolaus Karl, còn gọi là Fritz, là con trai duy nhất của Hoàng đế Wilhelm I và được nuôi dưỡng theo truyền thống binh nghiệp của vương tộc. Khi còn ở ngôi Thái tử, Friedrich đã thể hiện tài mưu lược trên cương vị là một trong các chỉ huy cấp tập đoàn quân của Phổ trong hai cuộc chiến tranh chống Áochống Pháp. Những thắng lợi vang dội trong hai cuộc chiến đã giúp ông chiếm được tình cảm của công chúng và được phụ vương phong hàm Thống chế. Bên cạnh đó, ông thường bày tỏ thái độ chán ghét chiến tranh và được cả kẻ thù lẫn bạn hữu ca ngợi vì hành xử nhân đức của mình. Trong buổi lễ thống nhất nước Đức tháng 1 năm 1871, cha ông, khi ấy là vua nước Phổ, đã đăng ngôi Hoàng đế Đức. Sau 27 năm giữ ngôi thái tử, Friedrich lên nối đại thống khi Wilhelm I băng hà ở tuổi 90 vào ngày 9 tháng 3 năm 1888. Vị tân Hoàng đế lúc bấy giờ bị ung thư vòm họng và băng hà vào ngày 15 tháng 6 năm 1888, hưởng thọ 56 tuổi, sau một thời gian điều trị không thành công. [ Đọc tiếp ]

Tuần 26

Khách sạn Dalat Palace, một công trình kiến trúc nổi tiếng của Đà Lạt.

Đà Lạt là thành phố may mắn được sở hữu một di sản kiến trúc giá trị, ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu thế kỷ 20. Từ một đô thị nghỉ dưỡng do người Pháp xây dựng, qua hơn một thế kỷ, Đà Lạt ngày nay đã trở thành một thành phố du lịch nổi tiếng với hơn 200 ngàn dân, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên. Lịch sử phát triển quy hoạch đô thị Đà Lạt nửa đầu thế kỷ 20 dường như gắn liền với sự phát triển nghệ thuật quy hoạch đương đại của thế giới. Từ chương trình xây dựng của Toàn quyền Paul Doumer, đồ án tổng quát áp dụng phương pháp quy hoạch phân khu chức năng của thị trưởng đầu tiên Paul Champoudry, đến những bản quy hoạch của các kiến trúc sư Hébrard năm 1923, Pineau năm 1933, Mondet năm 1940 và Lagisquet năm 1943, Đà Lạt luôn hiện lên như một thành phố nghỉ dưỡng miền núi kiểu mẫu với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Tuy chứa đựng những quan điểm đôi khi khác biệt, nhưng các đồ án quy hoạch thành phố luôn mang tính kế thừa lẫn nhau và được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế từng thời kỳ. Với sự nhất quán trong việc thực thi ý tưởng xây dựng một thành phố cảnh quan, các kiến trúc sư người Pháp đã tạo nên những đặc điểm nổi trội cho kiến trúc đô thị Đà Lạt, ít có thể thấy ở những thành phố khác của Việt Nam. [ Đọc tiếp ]

Tuần 27

Michael Jackson (1958–2009) là một ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất thu âm, vũ công và diễn viên người Mỹ. Với những đóng góp không ngừng nghỉ của ông đối với ngành công nghiệp âm nhạc, khiêu vũ, thời trang cùng những biến động xung quanh cuộc sống cá nhân, Jackson đã trở thành một trong những cái tên phổ biến nhất nền văn hóa nghệ thuật toàn cầu trong hơn bốn thập kỷ qua. Là người con thứ 8 trong gia đình nhà Jackson, ông bắt đầu sự nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp từ năm lên 11 với vị trí thành viên út trong nhóm nhạc The Jackson 5 và khởi nghiệp đơn ca năm 1971. Trong những năm đầu của thập niên 80, Jackson được xem là nghệ sĩ giải trí thành công nhất. Các video ca nhạc của ông như "Beat It", "Billie Jean" và "Thriller" đã phá vỡ rào cản chủng tộc và nâng tầm giá trị của video ca nhạc như một hình thức nghệ thuật và công cụ quảng cáo. Những video sau này như "Black or White" hay "Scream" tiếp tục khẳng định vị trí của ông trên MTV trong thập niên 1990, cũng như xây dựng danh tiếng như một nghệ sĩ lưu diễn đơn ca. Thêm vào đó, giọng ca và phong cách hát đặc biệt của ông cũng ảnh hưởng lớn tới nhiều thế hệ nghệ sĩ nhạc hip-hop, popR&B đương đại sau này. [ Đọc tiếp ]

Tuần 28

Vật lý học là một môn khoa học tự nhiên tập trung vào sự nghiên cứu vật chấtchuyển động của nó trong không gianthời gian, cùng với những khái niệm liên quan như năng lượnglực. Một cách rộng hơn, nó là sự phân tích tổng quát về tự nhiên, được thực hiện để hiểu được cách biểu hiện của vũ trụ. Vật lý là một trong những ngành hàn lâm sớm nhất, và có lẽ là sớm nhất khi tính chung với thiên văn học. Trong hai thiên niên kỷ vừa qua, vật lý là một phần của triết học tự nhiên cùng với hóa học, vài nhánh cụ thể của toán họcsinh học, nhưng trong cuộc Cách mạng khoa học bắt đầu từ thế kỷ 17, các môn khoa học tự nhiên nổi lên như các ngành nghiên cứu riêng độc lập với nhau. Vật lý học giao nhau với nhiều lĩnh vực nghiên cứu liên môn ngành khác nhau, như vật lý sinh họchóa học lượng tử, giới hạn của vật lý cũng không rõ ràng. Vật lý học cũng có những đóng góp quan trọng qua sự tiến bộ các công nghệ mới đạt được do những phát kiến lý thuyết trong vật lý. Ví dụ, sự tiến bộ trong hiểu biết về điện từ học hoặc vật lý hạt nhân đã trực tiếp dẫn đến sự phát minh và phát triển những sản phẩm mới, thay đổi đáng kể bộ mặt xã hội ngày nay, như ti vi, máy vi tính, laser, internet, các thiết bị điện tử dân dụng, hay là vũ khí hạt nhân; những tiến bộ trong nhiệt động lực học dẫn tới sự phát triển cách mạng công nghiệp; và sự phát triển của ngành cơ học thúc đẩy sự phát triển phép tính vi tích phân. [ Đọc tiếp ]

Tuần 29

Eric Clapton (sinh ngày 30 tháng 3 năm 1945) là nghệ sĩ guitar, nhạc sĩ và ca sĩ người Anh. Ông là người duy nhất được 3 lần xướng tên tại Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll: 1 lần trong vai trò nghệ sĩ solo, và 2 lần khác là thành viên của các ban nhạc The YardbirdsCream. Clapton được công nhận là một trong những nghệ sĩ guitar xuất sắc nhất và ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Ông được xếp ở vị trí số 2 trong danh sách "100 nghệ sĩ guitar vĩ đại nhất" của tạp chí Rolling Stone và số 4 tại danh sách "Top 50 tay guitar vĩ đại nhất" của hãng Gibson. Ông cũng có tên trong danh sách "100 tay guitar điện xuất sắc nhất" của tạp chí Time. Giữa thập niên 1960, Clapton rời The Yardbirds để chơi nhạc blues trong ban nhạc John Mayall & the Bluesbreakers. Sau khi chia tay Mayall, ông thành lập nên bộ ba Cream với tay trống Ginger Baker và cây bass Jack Bruce mà Clapton đã tạo ra "Thứ nhạc pop psychedelic nghệ thuật trên nền nhạc blues". Trong hầu hết thập niên 1970, ông bị ảnh hưởng bởi phong cách từ JJ Cale cũng như phong cách reggae từ Bob Marley. Chính bản hát lại bởi Clapton ca khúc "I Shot the Sheriff" của Marley đã giúp nhạc reggae đến được với công chúng. [ Đọc tiếp ]

Tuần 30

Vị trí quần đảo Trường Sa.

Quần đảo Trường Sa (tiếng Anh: Spratly Islands) là một tập hợp thực thể địa lí được bao quanh bởi những vùng đánh cá trù phú và có tiềm năng dầu mỏkhí đốt thuộc biển Đông. Tuy nhiên, quần đảo này đang trong tình trạng tranh chấp ở các mức độ khác nhau giữa sáu bên là Brunei, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), Malaysia, Philippines, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc)Việt Nam. Ở cấp độ quốc tế, phạm vi của khái niệm Spratly Islands vẫn chưa được xác định rõ và đang trong vòng tranh cãi. Ở cấp độ quốc gia cũng có các cách hiểu khác nhau. Tuy Đài Loan, Trung Quốc và Việt Nam trên danh nghĩa đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo, nhưng khái niệm quần đảo Nam Sa trong nhận thức của Đài Loan và Trung Quốc là bao hàm toàn bộ các thực thể địa lí nằm bên trong phần phía nam của đường chín đoạn. Đối với Philippines, phạm vi tuyên bố chủ quyền của nước này bao trùm hầu hết quần đảo và được gọi là Nhóm đảo Kalayaan. Về phần Malaysia, nước này đòi hỏi một số thực thể ở phía nam của quần đảo. Cuối cùng, chưa rõ Brunei đòi hỏi cụ thể thực thể địa lí nào vì chỉ thấy nước này đưa ra yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà trong vùng đó có vài thực thể thuộc biển Đông toạ lạc. [ Đọc tiếp ]

Tuần 31

Cher là nữ ca sĩ và diễn viên người Mỹ. Được mô tả là hiện thân của nữ quyền trong ngành công nghiệp thống trị bởi nam giới, bà nổi tiếng với chất giọng contralto đặc trưng và tính linh hoạt trong nhiều lĩnh vực giải trí, cũng như khả năng áp dụng nhiều diện mạo và phong cách trong sự nghiệp kéo dài 5 thập kỷ, giúp bà được vinh danh là "Nữ thần nhạc Pop". Cher bắt đầu nổi danh vào năm 1965, lúc còn là thành viên trong nhóm song ca nhạc folk rock Sonny & Cher, sau khi bài hát "I Got You Babe" đạt ngôi quán quân tại các bảng xếp hạng Hoa Kỳ và Anh Quốc. Sau đó, bà bắt đầu sự nghiệp đơn ca và phát hành bài hát ăn khách "Bang Bang (My Baby Shot Me Down)" vào năm 1966. Bà trở nên phổ biến trên truyền hình vào thập niên 1970, với chương trình The Sonny & Cher Comedy Hour, thu hút hơn 30 triệu người xem mỗi tuần trong vòng 3 năm lên sóng; và Cher. Bà theo đuổi hình tượng của một nhà tiên phong trong thời trang, khi diện nhiều bộ trang phục công phu trong các chương trình truyền hình của mình. Ngoài sự nghiệp âm nhạc và diễn xuất, Cher còn gây chú ý bởi quan điểm chính trị, nỗ lực từ thiện và các hoạt động xã hội của bà, trong đó có đấu tranh cho quyền LGBT và ngăn chặn HIV/AIDS. [ Đọc tiếp ]

Tuần 32

Thế vận hội Mùa hè 1896 là sự kiện thể thao quốc tế được tổ chức tại thành phố Athena, thủ đô của Hy Lạp, từ ngày 6 đến 15 tháng 4 năm 1896. Đây chính là kỳ Thế vận hội đầu tiên được tổ chức trong thời kỳ hiện đại. Hy Lạp cổ đại vốn là cái nôi của phong trào Olympic, do đó Athena được coi như sự lựa chọn thích hợp nhất để tổ chức cho kỳ Thế vận hội hiện đại đầu tiên. Thành phố này được nhất trí chọn làm nơi đăng cai kỳ Olympic đầu tiên trong cuộc hội nghị do Pierre de Coubertin, một nhà sư phạm và sử gia người Pháp, tổ chức tại Paris vào ngày 23 tháng 6 năm 1894. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cũng được thành lập nhân hội nghị này. Mặc dù gặp phải nhiều trở ngại và thoái trào nhưng Thế vận hội Mùa hè 1896 vẫn được ghi nhận là một kỳ Olympic thành công, nhờ những cuộc tranh tài thể thao có quy mô lớn nhất từ trước cho tới thời điểm đó. Trong kỳ thế vận hội đầu tiên này không có nữ vận động viên nào tham dự. Sau kỳ Thế vận hội, một số nhân vật cấp cao, trong đó có Vua Georgios I của Hy Lạp cùng một số vận động viên người Mỹ, kiến nghị với Coubertin và IOC rằng tất cả những kỳ Thế vận hội sau nên được tổ chức tại Athena. Tuy nhiên 4 năm sau, Thế vận hội Mùa hè 1900 lại được tổ chức tại thành phố Paris của Pháp và ngoại trừ kỳ Thế vận hội 1906 không được IOC công nhận chính thức, phải 108 năm sau, Athena của Hy Lạp mới được tổ chức sự kiện này lần thứ hai vào năm 2004. [ Đọc tiếp ]

Tuần 33

Angelina Jolie là một nữ diễn viên, nhà làm phim và nhà từ thiện nhân đạo người Mỹ. Trong sự nghiệp điện ảnh của mình, Jolie đã nhận một Giải Oscar, hai Giải thưởng của Hội Diễn viên Điện ảnh, ba Giải Quả cầu vàng và được công nhận là nữ diễn viên Hollywood có thu nhập cao nhất. Cô tham gia bộ phim đầu tiên cùng người cha Jon Voight khi còn nhỏ trong Lookin' to Get Out (1982). Cô tham gia các phim đánh giá cao như George Wallace (1997), Gia (1998) và nhận Giải Oscar cho nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất với bộ phim Girl, Interrupted (1999). Jolie trở thành một trong những diễn viên nổi tiếng của Hollywood với vai nữ anh hùng Lara Croft trong dòng trò chơi Lara Croft: Tomb Raider (2001). Ngoài công việc của một diễn viên, Jolie còn tham gia nhiều hoạt động nhân đạo, đáng chú ý là công việc của cô với người tị nạn với tư cách là Đại sứ thiện chí của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn. Đối với công chúng, cô được mô tả là một trong những người quyền lực và có nhiều ảnh hưởng nhất đến ngành công nghiệp, cũng như là người phụ nữ hấp dẫn nhất, theo các cơ quan truyền thông. Jolie kết hôn với diễn viên Brad Pitt vào năm 2014. Cả hai có tổng cộng 6 người con, với 3 trong số đó là con nuôi. [ Đọc tiếp ]

Tuần 34

Thiên văn học là một trong những môn khoa học ra đời sớm nhất trong lịch sử loài người. Những dấu vết khởi đầu của ngành thiên văn có từ thời tiền sử. Qua quan sát chuyển động biểu kiến của Mặt Trời, Mặt Trăng, con người đã tìm ra những thời điểm thay đổi của thời tiết. Vào cuối thời đại đồ đá, ở những nền văn minh cổ đại, quan sát bầu trời là công việc rất quan trọng của giới tăng lữ. Trước khi con người học được cách định vị trên Trái Đất và sáng tạo ra môn địa lý học, họ đã quan sát bầu trời và sản sinh ra những mô hình đầu tiên của nó. Thời điểm thiên văn học trở thành một môn khoa học theo cách nhìn nhận ngày nay đã diễn ra vào thế kỉ 16 nhờ công sức của Nicolaus Copernicus, kế tiếp là Galileo Galilei, Johannes Kepler, Isaac Newton. Một trong những tác nhân quan trọng nhất đối với cuộc cách mạng thiên văn học của Nicolaus Copernicus là phát minh kính viễn vọng. Những bước tiến của thiên văn học hiện đại đã xảy ra vào nửa cuối thế kỷ 19 khi các phương pháp phổ học và chụp hình được sử dụng trong quan sát thiên văn. Những bước nhảy vọt của thiên văn học được ghi nhận vào những năm 40 của thế kỷ 20 nhờ các quan sát thiên văn vô tuyến và tiếp đó là sự kiện con người khắc phục được những cản trở của khí quyển Trái Đất khi quan sát toàn vẹn phổ của vũ trụ từ các vệ tinh nhân tạo. [ Đọc tiếp ]

Tuần 35

Mariah Carey là nữ ca sĩ, người viết bài hát, nhà sản xuất thu âm và diễn viên người Mỹ. Bà nổi danh sau khi phát hành album phòng thu đầu tay Mariah Carey vào năm 1990, giành chứng nhận đa Bạch kim và ra mắt 4 đĩa đơn quán quân bảng xếp hạng Billboard Hot 100 Hoa Kỳ. Dưới sự dìu dắt của người chồng là giám đốc hãng đĩa Columbia Records Tommy Mottola, Carey tiếp tục gặt hái thành công với các album Emotions (1991), Music Box (1993) và Merry Christmas (1994), trở thành nghệ sĩ thành công nhất của hãng đĩa Columbia. Daydream (1995) làm nên lịch sử khi "One Sweet Day", đĩa đơn thứ hai do Carey song ca cùng ban nhạc Boyz II Men, là đĩa đơn quán quân có thời gian trụ hạng dài nhất lịch sử xếp hạng Hoa Kỳ. Bà ký một hợp đồng thu âm mới cùng Island Records vào năm 2002 và tiếp tục trải qua một giai đoạn thất bại khác, trước khi trở lại vị trí hàng đầu trên các bảng xếp hạng cùng The Emancipation of Mimi (2005). Trong xuyên suốt sự nghiệp, Carey đã bán ra hơn 200 triệu đĩa hát toàn thế giới, giúp bà trở thành một trong những nghệ sĩ thu âm bán chạy nhất mọi thời đại. Vào năm 1998, bà được vinh danh là nghệ sĩ bán nhiều đĩa hát nhất thập niên 1990 và giành giải "Nữ nghệ sĩ bán chạy nhất thiên niên kỷ" tại giải thưởng Âm nhạc Thế giới. [ Đọc tiếp ]

Tuần 36

Tác chiến chiều sâu là một học thuyết quân sự của Hồng quân Liên Xô được phát triển trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới bởi các nhà chiến lược và lý luận quân sự xuất sắc của Hồng quân mà nổi bật là Nguyên soái Liên Xô M.N. Tukhachevsky, A.A. Svechin, N.E. Varfolomeev, V.K. Triandafillov, G.S. Isserson. Học thuyết đã giới thiệu thêm khái niệm nghệ thuật chiến dịch ở giữa hai cấp độ chiến lượcchiến thuật, được các nhà nghiên cứu quân sự trên thế giới sử dụng làm cơ sở phát triển lý luận cho nghệ thuật chiến dịch hiện đại. Điểm xuất phát tư tưởng của học thuyết là quan niệm bản chất của chiến tranh đã thay đổi và mang tính chất tổng lực. Tư tưởng này dẫn tới sự xác nhận rằng chiến thắng không thể đạt được bằng một trận đánh quyết định, mà bằng các chiến dịch tuần tự nối tiếp nhau liền lạc hợp lý - mỗi chiến dịch một mục tiêu cụ thể được nối kết trong một mục tiêu thống nhất. Ở cấp độ chiến thuật, học thuyết đưa ra cách thức tấn công đồng thời suốt chiều sâu phòng tuyến đối phương bằng lực lượng xung kích chia làm 2 thê đội được hỗ trợ bằng pháo binh, không quân và lực lượng nhảy dù. Để phục vụ cho tư tưởng chiến tranh này, học thuyết nhấn mạnh vào việc cơ giới hóa lực lượng xung kích ở quy mô lớn. [ Đọc tiếp ]

Tuần 37

Palais Bourbon là tên thường gọi của tòa nhà Quốc hội Pháp hiện nay, công trình nằm bên bờ sông Seine, thuộc Quận 7 thành phố Paris. Được Công tước phu nhân Louise Françoise de Bourbon—con gái vua Louis XIV của Pháp—cho xây dựng từ năm 1722, Palais Bourbon tiếp tục được người cháu nội là Thân vương Louis V Joseph xứ Condé mở rộng trong nhiều năm. Tới thời kỳ Cách mạng Pháp, cung điện được chọn làm trụ sở của quốc hội và giữ vai trò này hầu như liên tục đến tận ngày nay. Bên cạnh chức năng quan trọng, Palais Bourbon còn là một công trình kiến trúc nổi tiếng. Mặt ngoài cung điện phía sông Seine với hàng 12 cây cột là tác phẩm của kiến trúc sư Bernard Poyet thời Đệ nhất đế chế. Họa sĩ Eugène Delacroix cũng từng nhiều năm trang trí cho các căn phòng của Palais Bourbon. Sau nhiều lần tu sửa và mở rộng, toàn bộ cung điện hiện nay chiếm một diện tích 124 nghìn mét vuông, phục vụ khoảng 3 ngàn người làm việc. Thư viện của Palais Bourbon, được thành lập dưới thời Cách mạng, cũng là nơi lưu trữ nhiều tài liệu giá trị, trong đó có những bản thảo của Jean-Jacques Rousseau và tài liệu gốc của vụ án xử Jeanne d'Arc. Cùng với một số công trình khác hai bên bờ sông Seine, Palais Bourbon nằm trong quần thể kiến trúc đã được UNESCO công nhận di sản thế giới vào năm 1991. [ Đọc tiếp ]

Tuần 38

When Harry Met Sally... là một bộ phim hài kịch lãng mạn của Hoa Kỳ năm 1989 do Nora Ephron viết kịch bản và Rob Reiner đạo diễn. Phim xoay quanh câu chuyện của hai nhân vật Harry (Billy Crystal) và Sally (Meg Ryan) từ lần gặp mặt đầu tiên của họ trong chuyến đi dọc đất nước cho đến mối quan hệ tình cảm giữa hai người 12 năm sau đó ở New York. Phim đặt nên câu hỏi "Liệu phụ nữ và đàn ông có thể chỉ là bạn bè?" và đề cập đến nhiều ý tưởng về mối quan hệ tình cảm quen thuộc trong đời sống. Phim bắt nguồn từ lúc Reiner trở lại cuộc sống độc thân sau khi ly hôn, tạo nên nền tảng cho nhân vật Harry, trong khi Sally dựa trên Ephron và một vài người bạn của bà ngoài đời thực. Nhạc phim chứa nhiều bản nhạc do Harry Connick, Jr. trình bày, với ban nhạc và dàn hòa tấu được Marc Shaiman điều khiển, giúp Connick giành giải Grammy cho "Trình diễn giọng nam jazz xuất sắc nhất". Columbia Pictures phát hành bộ phim thông qua kỹ thuật "nền tảng"—hãng công bố phim tại nhiều thành phố chọn lọc, sau đó tạo nên sức hút bằng những lời truyền miệng và sau cùng ra mắt mở rộng trong nhiều tuần. Ephron nhận một giải BAFTA, một đề cử giải Oscar và một giải Nghiệp đoàn tác giả Hoa Kỳ cho kịch bản của bà. Phim nằm trong danh sách 100 phim hài của Viện phim Mỹ và danh sách "100 phim hài hước nhất" của Bravo's. [ Đọc tiếp ]

Tuần 39

Siêu tân tinh loại Ia là một trong các loại siêu tân tinh xảy ra từ vụ bùng nổ của sao lùn trắng. Sao lùn trắng là tàn dư của một ngôi sao ở cuối đời của nó và không còn phản ứng tổng hợp hạt nhân ở trong nhân ngôi sao nữa. Mặc dù vậy, các sao lùn trắng với thành phần cacbon-ôxy có khả năng tạo ra phản ứng tổng hợp hạt nhân và giải phóng một lượng năng lượng lớn nếu nhiệt độ bên trong ngôi sao đủ cao. Mô hình lý thuyết cho thấy các sao lùn trắng với tốc độ tự quay thấp có giới hạn khối lượng trên nhỏ hơn giới hạn Chandrasekhar và bằng khoảng 1,38 lần khối lượng Mặt Trời. Khối lượng tới hạn này được duy trì bởi áp suất thoái hóa electron. Vượt qua khối lượng tới hạn này, sao lùn trắng sẽ bị co sụp. Một giả thuyết chung được đưa ra là nếu một sao lùn trắng dần dần bồi tụ khối lượng từ một sao đồng hành, thì lõi của nó sẽ đạt đến nhiệt độ đủ lớn để xảy ra phản ứng tổng hợp cacbon khi đến một giới hạn nào đó. Nếu sao lùn trắng sáp nhập với một ngôi sao khác, ngay lập tức khối lượng của nó sẽ vượt khối lượng tới hạn và bắt đầu suy sụp, nhiệt độ trong lõi tăng lên và kích hoạt các phản ứng tổng hợp hạt nhân. Chỉ trong vài giây của phản ứng tổng hợp hạt nhân, một lượng lớn vật chất trong sao lùn trắng sẽ tham gia vào phản ứng sinh nhiệt không kiểm soát được, và năng lượng giải phóng ra vào khoảng (1–2×1044 J) nhấn chìm nó trong vụ nổ siêu tân tinh. [ Đọc tiếp ]

Tuần 40

Ó cá (tên khoa học Pandion haliaetus) là một loài chim săn mồi kiếm ăn ban ngày. Loài chim này có kích thước lớn với chiều dài hơn 60 cm (24 in) và sải cánh 180 cm (71 in). Đặc điểm dễ nhận biết là vùng lưng và phía sau đầu có màu nâu xám, cánh và xung quanh mắt có màu đen. Ó cá sống trong nhiều kiểu môi trường khác nhau, làm tổ ở bất cứ nơi nào gần vực nước cung cấp đủ thức ăn cho chúng. Nó được tìm thấy trên tất cả các lục địa trừ Nam Cực, riêng ở Nam Mỹ nó chỉ xuất hiện ở dạng di cư không sinh sản. Được IUCN xếp vào nhóm ít quan tâm, loài này có diện phân bố rộng lớn, chỉ tính riêng châu Phi và châu Mỹ là 9.670.000 km2, và có số cá thể trên toàn cầu ước tính khoảng 460.000 con. Như tên gọi của nó, thức ăn của nó hầu như chỉ là cá. Nó có các đặc điểm vật lý và hành vi rất đặc biệt giúp chúng có thể săn và bắt con mồi. Do các đặc điểm độc đáo này, nên nó được phân loại vào một chi riêng, chi Pandion duy nhất của họ Pandionidae. Có 4 phân loài được công nhận trên thế giới. Mặc dù có xu hướng làm tổ gần các khu vực có nước, nhưng chúng không phải là một loài đại bàng biển. Ó cá là loài chim biểu tượng của tỉnh bang Nova Scotia, Canada và tỉnh Södermanland, Thụy Điển. [ Đọc tiếp ]

Tuần 41

Quốc kỳ Indonesia

Cộng hòa Indonesia là một quốc gia nằm trên hai lục địa ở Đông Nam ÁChâu Đại Dương. Indonesia gồm 17.508 hòn đảo, và với dân số ước tính khoảng 237 triệu người, đứng thứ tư trên thế giới về dân số. Indonesia là quốc gia có số dân theo Hồi giáo đông nhất thế giới; tuy nhiên trong Hiến pháp Indonesia không đề cập tới tôn giáo này. Indonesia là một quốc gia theo thể chế cộng hòa với một bộ máy lập pháp và tổng thống do dân bầu. Indonesia có chung biên giới trên đất liền với Papua New Guinea, Đông TimorMalaysia. Các nước láng giềng khác là Singapore, Philippines, Úc, và lãnh thổ Quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ. Thủ đô Jakarta cũng đồng thời là thành phố lớn nhất của quốc gia này. Các nhà buôn Hồi giáo đã đưa tới Đạo Hồi, và các cường quốc Châu Âu đã tranh giành để độc chiếm lĩnh vực thương mại trên các hòn đảo Hương liệu Maluku trong Thời đại khám phá. Sau ba thế kỷ rưỡi nằm dưới quyền cai trị của thực dân Hà Lan, Indonesia giành được độc lập sau Thế chiến thứ hai. Từ đó lịch sử Indonesia rơi vào cảnh biến động với các nguy cơ từ các thảm hoạ thiên nhiên, nạn tham nhũng và chia rẽ cũng như một quá trình dân chủ hóa, và các giai đoạn thay đổi kinh tế nhanh chóng. Dù có dân số lớn và nhiều vùng đông đúc, Indonesia vẫn có nhiều khu vực hoang vu và là quốc gia có mức độ đa dạng sinh học đứng hàng thứ hai thế giới. [ Đọc tiếp ]

Tuần 42

Virus

Virus là một tác nhân truyền nhiễm chỉ nhân lên được khi ở bên trong tế bào sống của một sinh vật khác. Virus có thể xâm nhiễm vào tất cả các dạng sinh vật, từ động vật, thực vật cho tới vi khuẩnvi khuẩn cổ. Kể từ bài viết đầu tiên của Dmitri Ivanovsky năm 1892, mô tả về một dạng mầm bệnh không thuộc vi khuẩn mà lây nhiễm vào cây thuốc lá, và sự khám phá ra virus khảm thuốc lá của Martinus Beijerinck năm 1898, cho đến nay có khoảng 5.000 loại virus đã được miêu tả chi tiết, mặc dù vẫn còn có tới hàng triệu dạng virus khác nhau. Virus được tìm thấy ở hầu hết mọi hệ sinh thái trên Trái Đất và là dạng có số lượng nhiều nhất trong tất cả các thực thể sinh học. Khoa học nghiên cứu virus được biết với tên virus học (virology), một chuyên ngành phụ của vi sinh vật học. Các phần tử (hay hạt) virus (được gọi là virion) được tạo thành từ hai hoặc ba bộ phận. Hình dạng của virus có sự khác nhau, từ dạng xoắn ốc hay khối hai mươi mặt đều đơn giản cho tới những cấu trúc phức tạp hơn. Một virus có kích thước trung bình vào khoảng 1/100 kích cỡ trung bình của một vi khuẩn. Hầu hết virus đều quá nhỏ nên không thể quan sát trực tiếp dưới kính hiển vi quang học. Virus được công nhận là một dạng sống bởi một số nhà khoa học, do chúng có mang vật chất di truyền, có thể sinh sản và tiến hóa thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên. [ Đọc tiếp ]

Tuần 43

Các mảnh kẽm 99,995%

Kẽm là một nguyên tố kim loại lưỡng tính, kí hiệu là Zn và có số nguyên tử là 30. Nó là nguyên tố đầu tiên trong nhóm 12 của bảng tuần hoàn nguyên tố. Kẽm, trên một số phương diện, có tính chất hóa học giống với magiê, vì ion của chúng có bán kính giống nhau và có trạng thái ôxy hóa duy nhất ở điều kiện bình thường là +2. Kẽm là nguyên tố phổ biến thứ 24 trong lớp vỏ Trái Đất và có 5 đồng vị bền. Quặng kẽm phổ biến nhất là quặng sphalerit, một loại kẽm sulfua. Những mỏ khai thác lớn nhất nằm ở Úc, CanadaHoa Kỳ. Công nghệ sản xuất kẽm bao gồm tuyển nổi quặng, thiêu kết, và cuối cùng là chiết tách bằng dòng điện. Đồng thau là một hợp kim của đồng và kẽm đã bắt đầu được sử dụng muộn nhất từ thế kỷ 10 TCN tại Judea và thế kỷ 7 TCN tại Hy Lạp cổ đại. Mãi cho đến thế kỷ 12 thì kẽm nguyên chất mới được sản xuất quy mô lớn ở Ấn Độ, và đến cuối thế kỷ 16 thì người châu Âu mới biết đến kẽm kim loại. Các mỏ ở Rajasthan được khai thác từ thế kỷ 6 TCN. Cho đến nay, bằng chứng cổ xưa nhất về kẽm tinh khiết là từ Zawar ở Rajasthan vào khoảng thế kỷ 9, người ta dùng phương pháp chưng cất để tạo ra kẽm nguyên chất. Các nhà giả kim thuật đốt kẽm trong không khí để tạo thành một chất mà họ gọi là "len của nhà triết học" hay "tuyết trắng". [ Đọc tiếp ]

Tuần 44

Chữ “vô thần” bằng tiếng Hy Lạp Koine, trích từ Papyrus 46

Chủ nghĩa vô thần theo nghĩa rộng nhất, là sự thiếu vắng niềm tin vào sự tồn tại của thần linh. Theo nghĩa hẹp hơn, chủ nghĩa vô thần là sự bác bỏ niềm tin rằng thần linh tồn tại. Theo nghĩa hẹp hơn nữa, một cách cụ thể thì chủ nghĩa vô thần là quan điểm cho rằng không hề có thần linh. Chủ nghĩa vô thần đối lập với chủ nghĩa hữu thần, theo dạng chung nhất, là niềm tin rằng có ít nhất một vị thần tồn tại. Nhiều người tự nhận là vô thần có thái độ hoài nghi với những gì siêu nhiên, với lí do là không có bằng chứng thực nghiệm về sự tồn tại của thần linh. Những người khác lập luận ủng hộ chủ nghĩa vô thần trên cơ sở triết học, xã hội và lịch sử. Tuy trong số những người tự nhận là vô thần có nhiều người thiên về các học thuyết triết học thế tục như chủ nghĩa nhân vănchủ nghĩa tự nhiên, không có một hệ tư tưởng hay một bộ hành vi nào mà tất cả những người vô thần cùng chia sẻ; và một số tôn giáo, chẳng hạn Kì-na giáoPhật giáo, không đòi hỏi đức tin vào một vị thần có vị cách. Trong các ngôn ngữ của châu Âu, thuật ngữ "vô thần" ban đầu được sử dụng với sắc thái bôi xấu dành cho những người hoặc những tín ngưỡng xung khắc với quốc giáo. Với sự lan rộng của tư tưởng tự do, chủ nghĩa hoài nghi và sự phê phán tôn giáo, thuật ngữ này đã bắt đầu có được ngữ nghĩa cụ thể hơn và ngày càng được sử dụng như sự tự xác nhận của những người vô thần. [ Đọc tiếp ]

Tuần 45

Phần nhỏ của bức Mona Lisa (1503–06) do Leonardo da Vinci vẽ, Louvre

Lisa del Giocondo là một thành viên trong gia đình Gherardini ở FirenzeToscana tại Ý. Tên bà được đặt cho hoạ phẩm Mona Lisa, một bức chân dung của bà, do người chồng đặt Leonardo da Vinci vẽ trong thời kỳ Phục hưng Ý. Có rất ít thông tin về cuộc sống của Lisa. Bà sinh ra ở Firenze và kết hôn ở độ tuổi thiếu nữ với một thương gia buôn vải và tơ lụa, người sau này trở thành quan chức địa phương. Bà là mẹ của 6 người con và gia đình thuộc tầng lớp trung lưu có cuộc sống thoải mái, bình lặng. Lisa qua đời sau người chồng nhiều tuổi hơn đáng kể của mình. Vài thế kỷ sau khi Lisa mất, Mona Lisa đã trở thành bức tranh nổi tiếng nhất thế giới và có một số phận tách biệt với người phụ nữ làm mẫu. Các học giả và nhà sưu tầm đã khiến tác phẩm trở thành một biểu tượng toàn cầu và là một đối tượng được thương mại hóa. Đầu thế kỷ 21, một phát hiện của chuyên gia bản thảo thuộc Đại học Heidelberg đã trở thành bằng chứng đủ mạnh để kết thúc những suy đoán về người trong tranh và cuối cùng đã khẳng định được chính Lisa del Giocondo là người ngồi làm mẫu cho bức tranh Mona Lisa. Ngày nay, khoảng 6 triệu người đến tham quan bức tranh mỗi năm tại Bảo tàng LouvreParis, nơi bức tranh trở thành một phần của bộ sưu tập quốc gia Pháp. [ Đọc tiếp ]

Tuần 46

Don Davis phác họa ảnh hưởng của thiên thạch bolide

Sự kiện tuyệt chủng kỷ Creta-Paleogen xảy ra cách đây khoảng 65,5 triệu năm (Ma) vào cuối thời kỳ Maastricht, là hiện tượng các loài động thực vật tuyệt chủng với quy mô lớn trong một khoảng thời gian địa chất ngắn. Sự kiện này còn liên quan đến ranh giới địa chất giữa kỷ Cretakỷ Paleogen, đó là một dải trầm tích mỏng được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Sự kiện đánh dấu sự kết thúc của đại Trung Sinh và bắt đầu đại Tân Sinh. Các hóa thạch khủng long không thuộc lớp chim chỉ được tìm thấy bên dưới ranh giới K-T, điều này cho thấy rằng các khủng long khác chim đã tuyệt chủng trong sự kiện này. Một số lượng rất ít hóa thạch khủng long đã được tìm thấy bên trên ranh giới K-T, nhưng được giải thích là do quá trình tái lắng đọng các vật liệu này, nghĩa là các hóa thạch bị bóc mòn từ các vị trí nguyên thủy của chúng và sau đó được bảo tồn trong các lớp trầm tích được hình thành sau đó. Thương long, thằn lằn cổ rắn, thằn lằn có cánh, và một số loài thực vật và động vật không xương sống cũng tuyệt chủng. Nhánh động vật có vú đã tồn tại qua sự kiện này với một số ít bị tuyệt chủng, và phân tỏa tiến hóa từ các nhánh có mặt trong tầng Maastricht đã xuất hiện nhiều sau ranh giới này. Các tốc độ tuyệt chủng và phân nhánh thay đổi ở các nhánh sinh vật khác nhau. [ Đọc tiếp ]

Tuần 47

Khách sạn Raphaël, nơi đoàn làm phim thực hiện các cảnh quay.

Hotel Chevalier là một bộ phim ngắn công chiếu vào năm 2007, do Wes Anderson viết kịch bản và đạo diễn. Với sự tham gia diễn xuất của Jason Schwartzman cùng Natalie Portman trong vai đôi tình nhân cũ gặp nhau trong một khách sạn ở Paris, bộ phim dài 13 phút này là phần mở đầu cho The Darjeeling Limited, một bộ phim khác cũng do Wes Anderson đạo diễn. Đạo diễn Wes Anderson lần đầu tiên đặt vấn đề với hai diễn viên Schwartzman và Portman về Hotel Chevalier vào năm 2005 và đã đồng ý đóng không cát sê. Quá trình quay chỉ diễn ra trong hai ngày rưỡi, tại một khách sạn ở Paris chỉ với một đoàn làm phim nhỏ và đạo diễn Wes Anderson cũng chính là người chịu kinh phí sản xuất. Được trình chiếu vào ngày 2 tháng 9 tại Liên hoan phim Venezia 2007 cùng The Darjeeling Limited, Hotel Chevalier sau đó có buổi ra mắt riêng tại các Apple Store ở bốn thành phố của Hoa Kỳ. Một ngày sau buổi ra mắt, bộ phim được đưa lên iTunes Store cho tải miễn phí trong vòng một tháng và đã có 500 nghìn lượt tải về. Hotel Chevalier là phim ngắn gây được nhiều chú ý trong năm 2007, được đánh giá cao hơn chính The Darjeeling Limited. Nhiều nhà phê bình đã ngợi khen Hotel Chevalier như một bộ phim sâu sắc, phong phú, được dựng tỉ mỉ và kỹ lưỡng. [ Đọc tiếp ]

Tuần 48

Di truyền học là một bộ môn sinh học, nghiên cứu về tính di truyềnbiến dị ở các sinh vật. Kể từ thời tiền sử, thực tế về việc các sinh vật sống thừa hưởng những đặc tính từ cha mẹ đã được ứng dụng để tăng sản lượng cây trồngvật nuôi, thông qua quá trình sinh sản chọn lọc hay là chọn lọc nhân tạo. Tuy nhiên, di truyền học hiện đại, tìm hiểu về quá trình di truyền, chỉ được ra đời vào giữa thế kỷ 19 với những công trình của Gregor Mendel. Dù không hiểu về nền tảng vật chất của tính di truyền, Mendel vẫn nhận biết được rằng sinh vật thừa kế những tính trạng theo một cách riêng rẽ–mà trong đó những đơn vị cơ bản của di truyền được gọi là gene. Các gene tương ứng với những vùng nằm trong ADN, một cao phân tử được cấu thành từ bốn loại đơn phân nucleotide; chuỗi những nucleotide này mang thông tin di truyền ở sinh vật. ADN trong điều kiện tự nhiên có dạng chuỗi xoắn kép, trong đó nucleotide ở mỗi chuỗi liên kết bổ sung với nhau. Mỗi chuỗi lại có thể hoạt động như một khuôn để tổng hợp một chuỗi bổ sung mới. Chuỗi nucleotide trong gene có thể được phiên mã và dịch mã trong tế bào để tạo nên chuỗi các axít amin, hình thành protein. Một thay đổi nhỏ của gene trong phân tử ADN cũng sẽ dẫn đến thay đổi trình tự axít amin, thay đổi cấu trúc và chức năng của protein, và điều này có thể tác động không nhỏ lên tế bào cũng như toàn bộ cơ thể sống. [ Đọc tiếp ]

Tuần 49

Các mảng kiến tạo trên thế giới được vẽ vào nửa sau của thế kỷ 20.

Kiến tạo mảng mô tả các chuyển động ở quy mô lớn của thạch quyển Trái Đất. Học thuyết này hoàn thiện các quan niệm trước đây về trôi dạt lục địa do Alfred Wegener đề xuất trong các thập niên đầu thế kỷ 20 và tách giãn đáy đại dương trong thập niên 1960. Phần ngoài cùng nhất của Trái Đất được cấu tạo bởi thạch quyển nằm trên và quyển mềm bên dưới. Thạch quyển bao gồm vỏ Trái Đất và phần trên cùng nhất của quyển manti. Quyển mềm thuộc manti ở trạng thái rắn, nhưng có độ nhớt và ứng suất cắt tương đối thấp nên có thể chảy giống như chất lỏng nếu xét theo thời gian địa chất. Phần sâu nhất của manti bên dưới quyển mềm thì cứng do chịu áp suất lớn hơn. Thạch quyển bị vỡ ra thành các mảng kiến tạo và chúng trượt trên quyển mềm. Các mảng này di chuyển tương đối với nhau theo một trong ba kiểu ranh giới mảng: hội tụ hay va chạm; tách giãn, cũng được gọi là trung tâm tách giãn; và chuyển dạng. Các trận động đất, hoạt động núi lửa, sự hình thành các dãy núi, và rãnh đại dương đều xuất hiện dọc theo các ranh giới này. Sự dịch chuyển sang bên của các mảng vào khoảng 50–100 mm/năm. Học thuyết góp phần phát triển các khoa học Trái Đất, giải thích các hiện tượng địa chất như tạo núi, động đất, núi lửa và những ảnh hưởng của nó đến đối với các nghiên cứu về cổ địa lý học và cổ sinh học. [ Đọc tiếp ]

Tuần 50

Nhà sản xuất chính của album, Butch Vig

Nevermind là album phòng thu thứ hai của ban nhạc người Mỹ Nirvana, phát hành vào ngày 24 tháng 9 năm 1991, là album đầu tiên mà ban nhạc thu âm bởi hãng DGC Records. Giọng ca chính Kurt Cobain sáng tác hầu hết các ca khúc trong album này và bắt đầu thu âm cùng nhà sản xuất Butch Vig vào tháng 4 năm 1990. Sau khi bị trì hoãn, tay trống Chad Channing rời nhóm và thay thế bằng Dave Grohl. Nhóm cũng đổi sang hãng đĩa Sound City Studios và quay trở lại phòng thu vào tháng 5 năm 1991 với nhiều bài hát mới, bao gồm "Smells Like Teen Spirit" và "Come as You Are". Album đưa tên tuổi Nirvana ngang hàng với những cây đại thụ của làng nhạc rock, biến họ trở thành đại diện ưu tú nhất của nhạc grunge. Các đĩa đơn của album, bao gồm "Smells Like Teen Spirit", "Come as You Are", "Lithium" và "In Bloom", đều là những ca khúc bất hủ của ban nhạc này. Với khoảng 30 triệu đĩa đã bán, đây là một trong những album bán chạy nhất lịch sử và là một trong những album nhạc rock được biết tới nhiều nhất và có ảnh hưởng lớn nhất. Năm 2004, tạp chí Rolling Stone xếp Nevermind ở vị trí số 17 trong danh sách "500 album vĩ đại nhất mọi thời đại" và đến năm 2005, album được đưa vào trong danh sách thu âm quốc gia của Thư viện Quốc hội Mỹ. [ Đọc tiếp ]

Tuần 51

Thánh Giuse hoặc Thánh Cả Giuse, là một vị Thánh của Kitô giáo. Những ghi chép về Giuse xuất hiện đầu tiên trong các bản Phúc Âm LucaMátthêu (còn những văn bản ra đời sớm của Phúc Âm như các thư Sứ đồ Phaolô hay Phúc Âm Máccô không đề cập đến người chồng của Maria). Tuy các thông tin đề cập trong hai sách trên không hoàn toàn thống nhất với nhau nhưng chúng cùng mô tả Giuse là chồng của Maria và cha về mặt pháp lí của Giêsu. Theo Phúc Âm Luca, Giuse là người thuộc chi họ Giuđa, hậu duệ đời thứ 40 của vua David, sinh trú tại Bêlem. Ông đính hôn với Maria - một thiếu nữ quê ở Nazareth, cũng thuộc chi họ Giuđa. Tên tuổi Giuse ít được nhắc đến trong Kitô giáo thời sơ khai. Tuy vậy, vai trò của ông về sau ngày càng được đề cao. Ngày nay, tất cả các nhánh của Kitô giáo, bao gồm Công giáo Rôma, Chính Thống giáo Đông phươngAnh giáo đều tôn kính Giuse. Ông là Thánh bổn mạng của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, dòng tu, nam giáo dân. [ Đọc tiếp ]

Tuần 52

Tranh minh họa Truyện kể Genji

Truyện kể Genji là một trường thiên tiểu thuyết của nữ sĩ cung đình Nhật Bản có biệt danh là Murasaki Shikibu sống dưới trướng của thứ phi Akiko trong cung Fujitsubo, triều đại Thiên hoàng Nhất Điều, không rõ tên thật của bà là gì. Truyện được sáng tác vào khoảng những năm 1010 thời đại Heian bằng chữ viết kana, theo thể loại monogatari cổ điển đã có lịch sử phát triển từ 200 năm trước đó của Nhật Bản. Xoay quanh hình tượng nhân vật hoàng tử Genji trong phần chính và Kaoru, người con trai trên danh nghĩa của Genji trong phần thập thiếp cùng mối quan hệ của họ với những người phụ nữ, tác phẩm gồm 54 chương, thuộc một trong những truyện rất lớn về dung lượng, rất phức tạp về nội dung và rất quyến rũ về mặt hình thức trong lịch sử văn học thế giới. Trở thành một hiện tượng có một không hai đối với văn học nhân loại thời trung thế kỷ tiền Phục hưng: về mặt lịch sử truyện được đánh giá là tiểu thuyết theo nghĩa hiện đại đầu tiên của nhân loại, sớm hơn rất nhiều so với sự ra đời của tiểu thuyết ở châu Âu với tác phẩm Đôn Kihôtê của Miguel de Cervantes vào thế kỷ 16. [ Đọc tiếp ]